Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Không thể chấp nhận quan điểm “phi chính trị hoá Quân đội”

Trong tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có người đưa ra quan điểm “phi chính trị hóa quân đội”, yêu cầu “quân đội đứng ngoài chính trị”, cho rằng “quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái hay một thể chế chính trị nào”. Thực chất của quan điểm đó là gì và vì sao không thể chấp nhận?
Có thể nói, người đưa ra quan điểm nói trên chưa nghiên cứu kỹ về lý luận cũng như thực tiễn tổ chức và hoạt động của quân đội; chưa hiểu rõ ngọn nguồn của quan điểm “phi chính trị hóa quân đội” xuất hiện như thế nào và với mục đích gì; nhất là chưa am hiểu sâu sắc về bản chất quân đội kiểu mới của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về bản chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm thực hiện mục đích chính trị nhất định. Quân đội có bổn phận bảo vệ đảng và thể chế chính trị tổ chức, nuôi dưỡng và lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Khi lợi ích của giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động thì quân đội đồng thời bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Khi quan hệ lợi ích đó mâu thuẫn gay gắt và không thể điều hòa, nhà nước của các giai cấp bóc lột sử dụng quân đội để trấn áp sự phản kháng của nhân dân, thậm chí có lúc đứng về phía quân xâm lược để đàn áp phong trào yêu nước.
Quan điểm “phi chính trị hóa quân đội” thường xuất hiện ở những nền chính trị có cấu trúc đa đảng đối lập, nhất là khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị. Về thực chất, những người đưa ra quan điểm đó muốn quân đội đứng ngoài cuộc đấu tranh của các đảng phái chính trị nhằm giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực Nhà nước, nhưng trong thực tế không có quân đội đứng ngoài chính trị. Trong cuốn “Đảng phái và chính trị ở Hoa Kỳ”, nhà nghiên cứu chính trị Mỹ Clinton Rossiter đã phân tích sâu sắc sự chia rẽ, tranh giành quyền lực dẫn đến những xung đột chính trị giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, coi đó là một đặc trưng của chính trường Mỹ. Dấu ấn trong bốn năm đầu của Tổng thống B.Ô-ba-ma chính là những đối đầu giữa hai đảng ở quốc hội hơn là những đạo luật và quyết sách được thông qua. Hai năm cuối trong nhiệm kỳ đầu của B.Ô-ba-ma, chính quyền gần như tê liệt bởi đảng Cộng hòa nắm đa số ở Hạ viện đã phủ quyết hầu hết các quyết sách của Tổng thống. Trong bối cảnh đó, nhiều tướng lĩnh và chính khách đã kêu gọi “quân đội đứng ngoài chính trị”, nhưng trong thực tế cả hai đảng đều ra sức tranh giành sự ủng hộ về chính trị của quân đội.
Ở Thái Lan, mặc dù nhiều lần các chính khách yêu cầu “quân đội đứng ngoài chính trị”, có lúc cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cam kết “quân đội không can dự vào chính trường”, thậm chí Hiến pháp năm 1997 của Thái Lan tuyên bố loại quân đội khỏi chính trị, nhưng trong thực tế không có điều đó. Ngày 19-9-2006, tướng Sonthi cùng một số tướng lĩnh quân đội làm đảo chính lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin. Trong 5 năm (2006-2011), các cuộc biểu tình, xung đột của các phe “Áo vàng” (PAD) và “Áo đỏ” (UDD) làm cho Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị, bốn lần thay đổi chính phủ; quân đội đã tham gia trấn áp những người biểu tình ủng hộ Thaksin. Trong bầu cử tháng 7-2011, tướng Prayut Chanocha – Tổng Tham mưu trưởng liên quân tuyên bố quân đội không can thiệp vào chính trị, song lại hậu thuẫn đắc lực cho Đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit.
Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá độc lập dân tộc và CNXH, các thế lực thù địch ra sức truyền bá quan điểm “phi chính trị hóa quân đội”, về thực chất là lôi kéo quân đội xa rời hệ tư tưởng XHCN và lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm cho quân đội bị tha hóa, biến chất về chính trị và bị vô hiệu hóa, đồng thời làm cho Đảng, Nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ Tổ quốc. Sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và phải trả ngay những giá rất đắt nếu ngộ nhận, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa quân đội”. Lịch sử thế giới đương đại cho chúng ta những bài học rất sâu sắc về vấn đề này. Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô đã rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhất là xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa. Đó là nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Xô-viết vào cuối năm 1991. Mặc dù lúc đó Quân đội Liên Xô còn 3,9 triệu quân thường trực, được trang bị rất hiện đại, vượt xa các nước cả về lực lượng chiến đấu thông thường và lực lượng hạt nhân chiến lược, nhưng do bị tha hóa, biến chất về chính trị nên mất sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Tổ quốc XHCN.
Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là lực lượng chính trị – lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của Tổ quốc XHCN và nhân dân. Bản chất quân đội kiểu mới thể hiện rõ nét ở sự thống nhất hữu cơ tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc, được biểu hiện sinh động ở lý tưởng chiến đấu, cơ sở chính trị-xã hội, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội.
Lý tưởng chiến đấu của quân đội ta là vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng chính trị-đạo đức không chỉ mang tính cách mạng và khoa học, mà còn thấm đượm tính nhân văn sâu sắc; không chỉ phản ánh sự vận động, phát triển đúng quy luật của xã hội Việt Nam đương đại, mà còn phản ánh khát vọng thiêng liêng tự giải phóng, giành quyền Độc lập – Tự do – Hạnh phúc và vươn lên làm chủ của các thế hệ người Việt Nam xuyên suốt hành trình lịch sử dân tộc. Lý tưởng chiến đấu đó thể hiện tình cảm sâu nặng và trách nhiệm chính trị-đạo đức cao của quân đội đối với Đảng, với Tổ quốc XHCN và nhân dân.
Cơ sở chính trị-xã hội của quân đội ta là phong trào cách mạng của nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và gắn bó máu thịt với nhân dân. Quân đội được xây dựng trên nền tảng vũ trang toàn dân và làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành đấu tranh vũ trang, thực sự là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ nhân dân mà ra, các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ đều được tuyển chọn từ con em các tầng lớp nhân dân lao động. Quá trình trưởng thành của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội có những đặc điểm riêng, song đều có cái chung là sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng, sự tôi luyện trong tổ chức quân sự và hoạt động quân sự, được nhân dân hết lòng nuôi dưỡng, giáo dục và rèn luyện.
Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt thông qua hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và các tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở. Nhà nước thống nhất quản lý đối với quân đội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các tổ chức đảng trong quân đội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách theo chức trách, nhiệm vụ. Trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc, toàn diện, xuyên suốt của các tổ chức đảng, trong quân đội thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên.
Các chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu rộng. Trong chiến đấu, quân đội ta thực hiện xuất sắc vai trò nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của quần chúng, chiến đấu ngoan cường và dũng cảm để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, xả thân hy sinh để giải phóng và bảo vệ nhân dân. Trong lao động sản xuất, quân đội ta tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường quốc phòng – an ninh, xung kích đến những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn gian khổ để xây dựng những khu kinh tế – quốc phòng, những công trình có ý nghĩa chiến lược của đất nước. Trong thực hiện chức năng đội quân công tác, quân đội ta luôn đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, tích cực vận động và giúp dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị và đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; luôn xung kích đi đầu trong cứu hộ, cứu nạn, hết lòng giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, xả thân trong hiểm nguy để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân. Có thể nói, tính chính trị và tính nhân văn gắn kết thống nhất trong bản chất và truyền thống của quân đội ta, không thể phủ nhận.
Thực tiễn cho thấy quan điểm “phi chính trị hóa quân đội” đưa ra không chỉ do phương pháp nhận thức mang tính tư biện, suy diễn một cách chủ quan, phiến diện; mà còn xuất phát từ những toan tính cơ hội, thực dụng, ngộ nhận lầm tưởng mình là “người có tài, am hiểu thời, thế”, lại thêm những bức xúc cá nhân do quá đề cao “cái tôi” nên cố tình tráo trở phương pháp, xuyên tạc tình hình, “chọc gậy bánh xe”. Chúng ta không thể chấp nhận quan điểm đó, bởi đó sẽ là nguyên nhân làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của quân đội, dẫn đến mất ổn định chính trị-xã hội và đưa đất nước lâm vào khủng hoảng chính trị.
THUÝ AN VÀ THUỲ LINH
qdnd.vn

1 nhận xét:

  1. Để đấu tranh chống âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” chúng ta phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hoà bình” của kẻ thù trên tất cả các lĩnh vực.

    Trả lờiXóa

hãy thể hiện chính kiến của bạn