Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Nghệ thuật tạo thế đánh các trận then chốt quyết định

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đầu tháng 3-1975, quân và dân ta, nòng cốt là các binh đoàn chủ lực đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên. Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm 5 sư đoàn, 4 trung đoàn bộ binh và nhiều đơn vị binh chủng, cùng LLVT trên địa bàn chiến dịch.

Lực lượng địch ở Tây Nguyên có 1 sư đoàn bộ binh, 7 tiểu đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn thiết giáp, 1 sư đoàn không quân… Địch phán đoán, nếu ta đánh Tây Nguyên sẽ đánh phía bắc, nên chúng tập trung lực lượng phòng giữ giữa Plei-cu và Kon Tum, còn tại Đắc Lắc để lực lượng ít hơn trấn giữ. Đối phương cho rằng, trong năm 1975, ta chưa đủ sức đánh thị xã Buôn Ma Thuột, hoặc nếu đánh thắng cũng không thể giữ được khi chúng phản kích chiếm lại. Buôn Ma Thuột là một vị trí trọng yếu, nhưng địch có những sơ hở, càng vào sâu trong thị xã, lực lượng phòng thủ càng mỏng.
Đối với ta, giải phóng được Buôn Ma Thuột sẽ đập tan hệ thống phòng thủ của địch ở nam Tây Nguyên, tạo thế trận hiểm mới, làm thay đổi cục diện chiến trường trên địa bàn Tây Nguyên và đồng bằng Khu 5. Theo kế hoạch, sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11-3, quân ta mở cuộc tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, với 4 cánh quân chủ lực, kết hợp với các đơn vị tinh nhuệ, các tiểu đoàn bộ binh bí mật luồn sâu bố trí sẵn, bỏ qua các đồn bốt ngoại vi, dùng binh lực lớn cơ giới tiến công với tốc độ cao theo các trục đường lớn, tiến thẳng vào giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận then chốt mở đầu quyết định của chiến dịch, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên. Tiếp đó, từ ngày 14 đến 18-3, quân ta đánh trận then chốt thứ hai, đập tan cuộc phản kích của Sư đoàn bộ binh 23 địch, đánh bại ý đồ tái chiếm Buôn Ma Thuột, góp phần quan trọng thúc đẩy chiến dịch phát triển.
Phát hiện địch có dấu hiệu co cụm lực lượng, chuẩn bị rút chạy từ Tây Nguyên theo đường số 7 về phòng giữ vùng đồng bằng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị Bộ chỉ huy chiến dịch chuẩn bị đánh địch rút chạy. Từ ngày 17 đến 24-3, ta tập trung lực lượng đánh trận then chốt thứ ba, truy kích tiêu diệt quân địch rút chạy trên đường số 7, đập tan ý định bỏ Tây Nguyên về co cụm ở đồng bằng của địch, tạo nên bước ngoặt chiến lược của cuộc chiến tranh. Ta tiêu diệu và làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy cùng một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Bổn và Quảng Đức.
Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta về nhiều mặt, trong đó nổi bật một số vấn đề nghệ thuật chiến dịch.
Trước hết, chiến dịch Tây Nguyên thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu rất đúng và hiểm. Lựa chọn nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu và Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu, ta đã “điểm trúng huyệt”, đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch. Đánh Buôn Ma Thuột, ta có điều kiện triển khai lực lượng tiến công địch bằng sức mạnh binh chủng hợp thành quy mô lớn; đồng thời giải phóng được Buôn Ma Thuột, tạo thuận lợi cho ta phát triển thế tiến công chia cắt địch về chiến dịch và chiến lược, làm đảo lộn thế phòng ngự của địch trên địa bàn Tây Nguyên.
Nghệ thuật nghi binh, tạo thế, giữ vững quyền chủ động chiến dịch cũng là nét nổi bật. Trước khi mở chiến dịch, ta tiến hành hàng loạt các biện pháp nghi binh, thu hút và giam chân đại bộ phận chủ lực địch ở hướng bắc Tây Nguyên, trong khi đó ta bí mật tập trung lực lượng để tiến công hướng nam Tây Nguyên. Vì thế, khi ta tiến công ở nam Tây Nguyên, địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp đối phó, dẫn đến thất bại nhanh chóng.
Tạo ưu thế về lực lượng và phương tiện là thành công lớn của ta. Trong chiến dịch này, ta sử dụng lực lượng chủ lực của Bộ (14 tiểu đoàn bộ binh) và chủ lực của Quân khu 5, Đông Nam Bộ tăng cường (10 tiểu đoàn), phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ (28 tiểu đoàn), tạo ưu thế hơn hẳn về lực lượng và phương tiện so với địch. Trong trận Buôn Ma Thuột, lực lượng ta gấp 4 đến 5 lần quân địch, nhưng đến trận đánh Sư đoàn 23 địch phản kích và trận truy kích địch trên đường số 7, lực lượng ta chỉ gần tương đương địch, thậm chí ít hơn, nhưng vẫn thắng do thế ta vững, địch hoang mang, mất sức chiến đấu trước tiến công mạnh mẽ của quân ta.
Vận dụng cách đánh chiến dịch và tổ chức các trận then chốt thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt của ta, như đánh cắt giao thông, đánh thị xã, đánh căn cứ, đánh địch phản kích, đánh địch rút chạy. Cách đánh chung là tiến hành nghi binh tạo thế, thu hút, giam chân chủ lực địch ở hướng khác (bắc Tây Nguyên), tạo ưu thế trên hướng chủ yếu và mục tiêu chủ yếu (nam Tây Nguyên) để bao vây, chia cắt, cô lập từng cụm quân địch, kết hợp đột phá, thọc sâu, trong, ngoài cùng đánh. Đặc biệt, ta tổ chức đánh các trận then chốt linh hoạt, hiệu quả, trong đó Buôn Ma Thuột là trận then chốt mở đầu thắng lợi có ý nghĩa quyết định, tạo đột biến về chiến dịch, dẫn đến đột biến về chiến lược, tạo thời cơ thuận lợi để bộ đội ta đánh những trận then chốt tiếp theo nhanh chóng giành thắng lợi, kết thúc chiến dịch, mở đầu thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Ngày nay, đặc điểm và tính chất của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó có nghệ thuật chiến dịch với những nội dung mới. Những kinh nghiệm về nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong chiến dịch Tây Nguyên nói riêng là kết tinh truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, tri thức quân sự của thời đại và đổi bằng biết bao xương máu của bao thế hệ chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là tài sản vô giá cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển sáng tạo, phù hợp với điều kiện mới của đất nước và bối cảnh quốc tế, tạo sức mạnh tổng hợp của nghệ thuật quân sự, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá, Tiến sĩ Dương Đình Lập


1 nhận xét:

hãy thể hiện chính kiến của bạn