Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013



"Người thầy cần có tâm"

Giáo sư Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam:

“Thực tế, trong xã hội vẫn có rất nhiều  thầy cô giáo tốt, hết lòng vì học sinh, chia sẻ khó khăn, dạy học miễn phí cho học sinh nghèo” -  Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS. TSKH) Phạm Thị Trân Châu (Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam) nhận xét như vậy. Theo bà, nếu người lớn là tấm gương cho học sinh thì sẽ hạn chế những hành vi lệch lạc của giới trẻ. Còn người làm thầy không có cái tâm, không trau dồi đạo đức, thì dù lương cao bao nhiêu họ vẫn làm những điều tiêu cực.
Thưa Giáo sư, thời bà đi học, bạn bè đối xử với nhau như thế nào?
 - Khi tôi còn là một nữ sinh nhỏ tuổi, đó là thời chống Pháp, gia đình tôi ở Vùng tự do Liên khu 5. Dù là con nhà quan, nhưng đến Vùng tự do ở nên gia đình tôi cũng nghèo như phần lớn các gia đình khác sống tại đó. Chỉ có những gia đình buôn bán, sản xuất... thì có thể coi là dân cư giàu có hơn người ở đó. Tuy nhiên, khi đến lớp, trẻ con nhà giàu, nhà nghèo đều như nhau, không có sự phân biệt giàu nghèo trong lớp, bạn bè chơi với nhau hoà đồng.   
Giáo sư Phạm Thị Trân Châu 
Trong lớp tôi có người bạn là con của gia đình tư sản chuyên sản xuất giấy. Học trò nghèo như tôi giấy để viết còn không đủ, nhưng tôi học giỏi, bạn tôi thì học yếu, đầu năm học gia đình bạn dẫn bạn đến nhà tôi mang giấy viết đến để tặng tôi. Bố mẹ bạn giàu có, nhưng họ đã dạy cho con của họ một cách rất thấm thía, chứ họ muốn cho giấy cũng có cách khác là chỉ việc “quẳng” giấy cho con họ mang đến lớp cho tôi. Gia đình bạn cho tôi giấy viết cũng là một cách họ dạy con họ. Và mẹ tôi cũng như tôi lòng tự trọng rất lớn, nên không phải họ cứ đưa cho như “bố thí” cũng lấy, cách họ cho như thế nào thì chúng tôi mới nhận. Ban đầu họ mang giấy đến nhà tặng tôi, mẹ để tôi tự quyết định có nhận hay không, tôi không muốn nhận, người mẹ giàu có của bạn tôi đã nói: “Đây không phải là bác cho cháu, mà là cháu nhận giúp bác, để con bác học tập cháu ở chỗ cháu nghèo như thế mà cháu vẫn học giỏi”, cùng với thái độ họ rất trân trọng tôi, nên cuối cùng tôi đã vui vẻ nhận và cảm ơn họ.
 
Có lần khác họ lại mang tặng tôi đồ dùng học tập (compa, bút chì...), những món đồ nhỏ được đựng trong túi cẩn thận, rồi đứa bạn con nhà giàu cứ bắt tôi nhận bằng được, nó nhận thấy tặng đồ dùng cho một đứa học trò nghèo học giỏi như tôi là “vinh hạnh” cho nó. Còn tôi khi đến lớp, nếu đứa bạn đó và những đứa bạn khác học yếu hơn cần hỏi bài gì chưa hiểu thì tôi cũng nhiệt tình chỉ bảo, “phụ đạo” tại lớp cho bạn. Nếu giảng bài cho bạn học yếu hiểu bài, sau thấy bạn tiến bộ thì bản thân tôi tự thấy sung sướng vô cùng, còn sướng hơn cả khi mình được điểm cao. 
Vậy theo bà, phải làm sao để học sinh, sinh viên hiện nay biết quan tâm đến những người xung quanh?
- Tôi nói chuyện suy từ gia đình tôi: Nhà tôi nghèo, nhưng mẹ tôi cũng dạy con cái nếu thấy người nghèo hơn thì nên giúp đỡ với khả năng của mình. Có khi chỉ là san sẻ cho người nghèo hơn một chút cơm thôi cũng được, lúc người ta đói cho một bát cơm để người ta ăn cũng là thương người rồi, mẹ tôi dạy như thế. Những đứa trẻ thời của tôi được bố mẹ dạy biết quan tâm, biết thương người khác như thế. Thời trước học sinh có những đức tính tốt như thế, được gia đình rèn rũa như thế, nên sẵn sàng vì bạn, vì người khác nếu có thể, người khác hạnh phúc là mình hạnh phúc. 
Giáo dục thế hệ trẻ về cách ứng xử trong trường, lớp, ứng xử với những người xung quanh, theo tôi cần phải chắt lọc từ những bài học thành công trong cách dạy dỗ trẻ em thời kỳ trước, điều chỉnh theo những phương pháp phù hợp với thời nay. Giáo dục đạo đức, tư chất của học sinh phải bằng chính tấm gương của người lớn (của bố mẹ, thầy cô giáo...). 
Các bạn trẻ cần biết quan tâm đến những người xung quanh
Thời gian gần đây, trong xã hội, người ta nói đến hiện tượng “con sâu bỏ rầu nồi canh”,  về chuyện một số giáo viên có cách ứng xử, hành động tiêu cực... GS có cho rằng đó là  một “căn bệnh” trong xã hội, hay chỉ là một hiện tượng “hiển nhiên” của mặt trái cơ chế thị trường?
- Tôi cho rằng, khi xuất hiện một bộ phận người “thầy” (gồm thầy thuốc và thầy giáo) tiêu cực, phải tập trung giải quyết vấn đề này. Ngày trước, một người đi học làm thầy thuốc, thầy giáo là những người yêu thích nghề đó. Khi đã đi học làm thầy giáo thì những người có đam mê ấy phần lớn có suy nghĩ họ học làm thầy để sau đó đi dạy, đào tạo những thế hệ học trò giỏi giang, có ích. Còn người đi học làm thầy thuốc thì mong muốn được làm việc cứu người. Đó chính là nói đến “động cơ” của người học làm thầy (thầy giáo, thầy thuốc). Học làm thầy mà không làm tròn nghĩa vụ của người thầy, thầy giáo không dạy học sinh tốt, thầy thuốc không chú tâm chữa bệnh cứu người, thì phải thấy áy náy, phải cố gắng phấn đấu làm việc tốt hơn nữa. Theo tôi, ở đây trước hết là vấn đề “động cơ” từ đầu khi chọn nghề để làm người thầy. 
Làm thầy thì phải yêu công việc, và yêu công việc đó vì cái gì? Nếu nói người thầy chưa làm tốt công việc của mình vì “lương thấp” thì không thoả đáng. Lương thấp làm sao bằng ngày trước, khó khăn làm sao bằng thời kỳ người thầy vừa phải dạy học vừa phải tranh thủ thời gian để đi cuốc đất, trồng trọt, chăn nuôi... để nuôi sống gia đình và bản thân. Thế hệ chúng tôi, những người thầy đi dạy học sơ tán những từ những năm 60... rồi sau đó học sinh của tôi lại đi dạy học, trở thành người thầy với vô vàn khó khăn về kinh tế, nhưng hầu hết những người thầy thời ấy đâu có làm điều gì trái với đạo đức. Theo tôi, vấn đề cốt lõi là ở mỗi người, mỗi người thầy, nếu có tâm thì phải tự điều chỉnh bản thân mình. Còn cứ than rằng “sống đạo đức như vậy thì những người thầy như chúng tôi... chết đói” là không phải. Có rất nhiều người thầy không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không chà đạp lên đạo đức con người, mà họ vẫn sống đàng hoàng. Quan trọng là do chính mỗi người thôi. 
Đành rằng cần chú ý quan tâm đến quyền lợi của người thầy, nhưng nếu chỉ chú ý đến nỗ lực tăng lương, mà không chú ý đến trau dồi đạo đức của người thầy ngay từ trong trường sư phạm, thì sau này có tăng lương bao nhiêu cũng sẽ là không đủ, người thầy có thu nhập bao nhiêu thì vẫn cứ “tiêu cực”.
Theo GS, điều gì có thể thay đổi những hình ảnh chưa đẹp của người thầy?
Nếu tâm huyết với nghề, thật sự yêu thích nghề, chứ không phải vì một động cơ nào khác, thì chắc chắn những người thầy sẽ được học trò đánh giá cao, đó chính là những người thầy thành công.
- Để hình thành và thay đổi hình ảnh người thầy một cách tốt đẹp hơn, đáng trân trọng hơn, hiện nay rất cần đến những biện pháp mang tính tổng hợp. Bởi thực tế, trong xã hội ở nhiều nơi vẫn có rất nhiều những thầy cô giáo tốt, hết lòng vì học sinh, chia sẻ khó khăn với học sinh nghèo, dạy học miễn phí cho học sinh nghèo. Người thầy bên cạnh vốn kiến thức cần học tập, trau dồi, còn phải có tâm huyết với nghề, phải có năng khiếu sư phạm. Năng khiếu sư phạm thì bao gồm nhiều thứ lắm, nhưng ít nhất, người muốn trở thành thầy phải có khả năng trình bày vấn đề một cách rõ ràng, logic. Theo tôi, thi tuyển sư phạm cần phải chú ý đến những vấn đề này. Người giỏi chưa chắc đã làm được một người thầy dạy “hay”. Muốn dạy hay phải đầu tư rất nhiều, cũng là một nội dung giảng dạy như vậy thì người thầy phải tìm ra phương pháp giảng bài như thế nào cho học trò dễ hiểu thì bài giảng mới hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu tâm huyết với nghề, thật sự yêu thích nghề, chứ không phải vì một động cơ nào khác, thì chắc chắn những người thầy sẽ được học trò đánh giá cao, đó chính là những người thầy thành công. Mục tiêu của một người thầy khi giảng bài là phải làm sao cho học sinh, sinh viên hiểu được bài, người học giỏi không thấy nhàm chán, còn người học lực yếu cũng cố gắng để tiếp thu được. Học trò yếu thì cần khích lệ, học trò giỏi cần phải được thể hiện năng lực của mình, đó là cách mà mỗi người thầy không thể xem nhẹ. Với những học trò yếu, người thầy có tâm thì có thể dành thời gian tiếp xúc riêng, bảo các em ở lại cuối buổi học để trao đổi, hỏi han xem các em vướng mắc, khó khăn gì trong việc học. Tôi nghĩ người thầy có tâm đều có thể làm được hết những vấn đề đó.  
Cùng một hoàn cảnh xã hội, phải nhìn vào những tấm gương tốt để điều chỉnh những điều chưa tốt. Tôi tiếp xúc với những thanh niên tích cực thì thấy thế này, phần nhiều các em học tập và phấn đấu hết lòng, có tâm thật sự với xã hội, chứ không phải chỉ biết nghĩ cho bản thân, tính toán cho bản thân. Thực ra trong xã hội vẫn có rất nhiều yếu tố lành mạnh đang tiếp tục phát triển. Điều đó đem lại cho xã hội những hy vọng, cộng với nỗ lực của mỗi người, tôi tin chắc những lo ngại rồi sẽ vơi giảm đi.
Trân trọng cảm ơn giáo sư!
An Nhiên  (Thực hiện)

1 nhận xét:

hãy thể hiện chính kiến của bạn