Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Những chứng cứ thuyết phục


QĐND - Hàng trăm bản đồ do chính Trung Quốc và một số nước phương Tây xuất bản cách đây vài trăm năm xác định cương giới cực Nam Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, cùng rất nhiều tư liệu lịch sử đã được trưng bày tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh từ ngày 22 đến 29-8 là những bằng chứng hùng hồn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận.

Xác định chủ quyền từ xa xưa
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, sau khi kết thúc thời Bắc thuộc, các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn từng bước mở rộng cương giới xuống phía Nam, dần dần hình thành lãnh thổ, lãnh hải của nước Việt Nam thống nhất. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông cho hoàn thành bộ “Hồng Đức bản đồ” gồm 13 xứ thừa tuyên, có vùng duyên hải chạy dài đến núi Thạch Bi (Khánh Hòa) và biển đảo tỏa ra Biển Đông. Đặc biệt, năm 1711, chúa Nguyễn Phúc Chu đã tổ chức khảo sát, đo, vẽ và quản lý Trường Sa hải chử (tức quần đảo Trường Sa ngày nay).
Khách tham quan nghe giới thiệu những tư liệu lịch sử.
Như vậy, đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng tới tận Hà Tiên, mũi Cà Mau, bao gồm các hải đảo ngoài Biển Đông và vịnh Thái Lan. Trực tiếp cai quản các hải đảo là đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Ở thời điểm đó, chỉ có người Việt Nam làm chủ tại hai quần đảo này. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho rằng, các hoạt động khai thác, quản lý Hoàng Sa, Trường Sa được duy trì đến đời Thiệu Trị, Tự Đức. Hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động hiệu quả dưới thời Gia Long cho đến những năm 20 của thế kỷ XIX mới sáp nhập vào đội thủy quân của triều đình Minh Mạng. Chính vua Minh Mạng đã đưa hoạt động chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa lên đỉnh cao nhất của thời quân chủ với nhiều hình thức và biện pháp như: Vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hải sản, thu thuế, cứu hộ tàu bị nạn, vẽ bản đồ, lập bia chủ quyền và trồng cây xanh trên đảo… Điều này đã được lịch sử ghi nhận, còn lưu bút tích, hiện vật đến ngày nay. Những cứ liệu lịch sử được trưng bày cho thấy, các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ mấy thế kỷ trước mà không hề có bất cứ sự tranh chấp nào.
Những bản đồ này đều cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa là của ViệtNam.
Thêm nhiều bằng chứng có giá trị
Tại triển lãm lần này, ngoài sự phong phú, đa dạng của các hiện vật còn có thêm nhiều tư liệu mới, mang giá trị pháp lý cao được giới thiệu rộng rãi, góp phần khẳng định chủ quyền của ViệtNam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Tiến sĩ Nguyễn Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, người có kiến thức uyên thâm về hệ thống bản đồ, tư liệu cổ, nhấn mạnh: “Với gần 150 bản đồ cùng nhiều văn bản, hiện vật, ấn phẩm do Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Ấn Độ… xuất bản bảo đảm tính khách quan, trung thực của cứ liệu lịch sử chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Những bằng chứng này được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế dày công tìm tòi, sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao với Tổ quốc, với chính nghĩa”.

Đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham quan triển lãm.
Điểm nhấn của triển lãm là 4 tập bản đồ chính thức do nhà nước Trung Quốc xuất bản từ năm 1908 đến năm 1933, được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên những bản đồ chính thức này. Và đương nhiên, ranh giới cực Nam Trung Hoa dân quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Cùng với đó là hàng trăm bức thư tịch cổ phương Tây xác nhận một cách rõ ràng chủ quyền Việt Nam trên các vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa do chính các thương gia, nhà hàng hải, chuyên gia bản đồ Tây Âu họa bút. Tham quan triển lãm, anh Phan Văn Tú, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, bộc bạch: “Những tư liệu trưng bày vô cùng quý giá. Nó giúp chúng ta thêm tự tin để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với trách nhiệm của mình, ngoài việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức lịch sử, thực tiễn giúp sinh viên thêm hiểu biết về chủ quyền lãnh thổ, bồi đắp lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi sẽ hướng dẫn các em tham khảo, nghiên cứu kỹ các tư liệu làm cơ sở cho những công trình khoa học hữu ích sau này”. Còn Hạ sĩ Phạm Ngọc Hải, chiến sĩ Tàu HQ 17, Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân) tâm sự: “Tham quan những bản đồ và tư liệu lịch sử, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh chính nghĩa, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

1 nhận xét:

hãy thể hiện chính kiến của bạn