Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

ĐẤT Ở ĐỒNG TÂM

Thời gian qua, trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất quốc phòng, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật. Vậy, thực hư câu chuyện ra sao:

Thứ nhất, đây là đất quốc phòng.
Ngày 14/4/1980, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 113/QĐ-TTg giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) với diện tích 208ha. Ngày 10/11/1991, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sơn Bình có quyết định 386 cụ thể hóa.
Ngày 22/4/2003, Quân chủng Phòng không-Không quân có quyết định 465/QĐ-PKKQ về vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 31 (Lữ đoàn 28 Công binh/Quân chủng Phòng không-Không quân) được phép đóng quân trên diện tích đất quy hoạch xây dựng sân bay Miếu Môn (phần diện tích đất 208ha nêu trên).
Ngày 1/5/2006, UBND tỉnh Hà Tây có quyết định số 2381/UBND-CNXD về việc công bố quy hoạch sân bay Miếu Môn. Địa điểm xây dựng là tại 2 huyện: Chương Mỹ và Mỹ Đức. Theo đó, tổng diện tích xây dựng sân bay là 482ha (ngoài diện tích đất 208ha nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ cấp, có thêm 274ha đề nghị cấp thêm).
Đến tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Phòng không-Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 (đất quốc phòng), với các mốc giới trên thực địa không thay đổi.
Thứ hai, khu đất này để thực hiện dự án A1, một phần quan trọng của Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng.
Tháng 3 năm 2015, Bộ Quốc phòng đã có quyết định thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng (trong diện tích 208 ha nêu trên) do Quân chủng Phòng không Không quân đang quản lý, sử dụng để giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1 (Quyết định số 551/QĐ-TM ngày 27/3/2015).
50,03ha dự án A1 hoàn toàn nằm trong 208ha diện tích đất quốc phòng mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng từ năm 1980. Sau đó, gần nhất Bộ Quốc phòng đã giao 50,03ha đất nói trên từ Quân chủng Phòng không-Không quân về cho Viettel quản lý để thực hiện Dự án A1 là hoạt động quân sự trong nội bộ quân đội.
Thứ ba, về việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của các hộ dân nằm trong khu vực 50,03 ha nói trên, trong diện tích 50,03 ha của dự án A1 có khoảng 32 ha thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, còn lại là diện tích thuộc xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ.
Đối với diện tích thuộc xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, việc thu hồi đất để thực hiện dự án A1 hoàn toàn thuận lợi.
Đối với phần đất thuộc xã Đồng Tâm thì chỉ có 8,49 ha là đất đang có 14 hộ dân sinh sống, canh tác; phần còn lại là đất sạch thuộc Phòng không Không quân giao cho Viettel.
Trong số 14 hộ dân đang sinh sống, canh tác trên diện tích 8,49 ha nói trên thì có một số hộ sinh sống trước thời điểm năm 1980 khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giao diện tích đất nói trên về Bộ Quốc phòng.
Để việc giải phóng mặt bằng được thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, Thành phố Hà Nội đã giao huyện Mỹ Đức và một số ban, ngành của Thành phố thành lập Ban giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án A1. Ban giải phóng mặt bằng đã bàn bạc đề ra phương án và niêm yết công khai phương án đề bù, hỗ trợ đền bù đối với 14 hộ dân nói trên tại UBND xã Đồng Tâm.
Theo đó, các hộ dân đang sinh sống, canh tác nằm trong phần diện tích 8,49 ha nói trên sẽ được đền bù, hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng. Số tiền hỗ trợ đền bù đã được chuẩn bị sẵn để chuyển tới các hộ dân. Các hộ dân nói trên đều ủng hộ và mong muốn sớm được thực hiện việc giải phóng mặt bằng.
Thứ tư, về các đối tượng gây rối, vi phạm pháp luật
10 giờ sáng ngày 15-2-2017, khi lực lượng chức năng đang tiến hành làm hàng rào, cắm biển báo ở diện tích 23,41ha đất sạch (không thuộc 8,49ha có 14 hộ dân sinh sống, canh tác nói trên) thuộc diện tích đất quốc phòng ở xã Đồng Tâm để thực hiện dự án A1 thì có 7 đối tượng ra ngăn cản, giật biển báo đất phòng.
Sau đó, những ngày tiếp theo có thêm một số đối tượng khác tràn vào khu vực đất sạch nói trên dựng lều trại, trồng các cây ngắn ngày như ngô, sắn…, từ đó khiếu kiện, đưa ra yêu sách. Thực tế, cho tới thời điểm 15-2-2017, số đối tượng nói trên không có nhà cửa, không canh tác trên diện tích 50,03ha đất quốc phòng để thực hiện dự án A1.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố, các cơ quan chức năng của Thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại, trả lời và giải quyết nhiều kiến nghị của người dân, nhưng số công dân khiếu kiện vẫn ngoan cố, kích động, không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Đặc biệt UBND huyện đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành xuống địa bàn để làm công tác tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân theo phương châm “3 cùng”. Tuy nhiên, khi các tổ công tác của huyện Mỹ Đức đến nhà từng người dân xã Đồng Tâm để vận động, tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương, số công dân khiếu kiện tại đây đã không tham gia ký và vận động người dân không ký vào văn bản cam kết không xâm lấn đất quốc phòng.
Mặc dù các nội dung khiếu nại, tố cáo của số công dân xã Đồng Tâm liên quan đến diện tích đất quốc phòng tại khu vực đồng Sênh đã được cơ quan chức năng của huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, Bộ Quốc phòng giải quyết và khẳng định diện tích đất đai tại khu vực đồng Sênh là đất quốc phòng, tuy nhiên số công dân khiếu kiện vẫn không đồng tình và tổ chức nhiều hoạt động gây phức tạp tại địa phương, nhất là khi Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel nhận bàn giao diện tích đất trên để thi công.
Câu chuyện "đất quốc phòng ở Đồng Tâm" rồi đây sẽ ngã ngũ sau khi Thanh tra Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng từ trước đến nay với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn (nằm trên địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) trong thời gian 45 ngày.
Nhưng với những thông tin nêu trên, có thể hiểu rằng người dân Đồng Tâm nói chung đều hiểu, chấp hành đúng và ủng hộ chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chỉ một số người có thể vì thiếu hiểu biết hoặc có thể vì "hai mấy tỷ" tiền đền bù mà 14 hộ dân đang sinh sống, canh tác trên diện tích 8,49 ha được hưởng đã đánh vào lòng tham làm họ mất ăn, mất ngủ đến mức bày trò gây rối, bắt giữ cán bộ để kích động dân làng. 

1 nhận xét:

hãy thể hiện chính kiến của bạn