Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

"Người giỏi Toán chưa chắc đã là người dạy giỏi Toán".

Sự  xuất sắc trong giảng dạy không giống như sự xuất sắc trong nghiên cứu học thuật. Do vậy, các thầy cô không cần phải là người lỗi lạc mới làm tốt công việc dạy học. Những giảng viên ưu tú phải là những người nhiệt tình, truyền đạt các ý tưởng một cách rõ ràng và đối xử với sinh viên một cách công bằng”.
Tôi cho rằng đây là một tư tưởng đúng, cũng giống như một quan niệm tôi đã từng nghe "Người giỏi Toán chưa chắc đã là người dạy giỏi Toán". 
Bài viết tôi sưu tầm của ThS. Phạm Cẩm Hà  (Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật  Phương Nam) dưới đây có thể giúp quý thầy, cô tham khảo những kỹ năng cần thiết để thành công hơn trong sự nghiệp trồng người.

 1. Thứ nhất, kỹ năng tạo ấn tượng đầu tiên
Hãy mở đầu một buổi học bằng một ấn tượng để thu hút các sinh viên của mình bằng những công việc sau:
-Giờ giấc: nên đến sớm 5 phút trước buổi giảng để thể hiện sự chuẩn bị chu đáo, tôn trọng người học.
-Trang phục: nên chọn trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường giảng dạy. Trang phục sẽ tự giới thiệu về con người và tính cách của mình, đừng quá cầu kỳ như một buổi trình diễn nhưng cũng đừng quá đơn điệu.
-Lời chào: nên đáp lại lời chào với sinh viên để tạo nên sự tôn trọng và thiện cảm với sinh viên.
2. Thứ hai, kỹ năng thuyết trình
Thuyết trình từ xưa đến nay vẫn là phương pháp giảng dạy truyền thống của các trường cao đẳng, đại học, trong và ngoài nước. Đó là quá trình mà người giảng viên tiếp xúc trực tiếp và đối diện với sinh viên. Một bài giảng được đánh giá là hay không chỉ qua nội dung ý tưởng mà còn phải thể hiện được sắc thái, giọng nói, lòng nhiệt tình của giảng viên. Làm thế nào để các thầy, cô có thể lôi cuốn được sinh viên một cách thành công, hãy chú ý những điểm sau đây:
-Thu hút sự tập trung: nên vào đề bằng một câu chuyện vui, hoặc một sự kiện thực tế có liên quan đến bài học nhằm thu hút sự tập trung và tạo hưng phấn cho sinh viên.
-Trình bày: để truyền đạt một cách có hiệu quả, giảng viên phải trình bày ý tưởng của mình rõ ràng, nhà giáo là người luôn đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. Chỉ dùng những khái niệm đã biết để lý giải những vấn đề chưa biết.  Đặc biệt quan tâm đến từng đối tượng sinh viên để có các cách trình bày khác nhau cho phù hợp.
-Giọng nói: nói rõ ràng, đủ cả phòng nghe, nên tập để có giọng trầm ấm, tránh lên gân khi nói, chú ý nhấn mạnh ý chính, lên giọng khi bắt đầu ý mới, dừng ở cuối mỗi ý chính, văn nói đơn giản đi thẳng vào vấn đề. Nên thường xuyên thay đổi cách diễn đạt, tránh lặp từ.
-Tác phong: đứng thẳng, tư thế thật thoải mái, đầu ngẩng cao, mắt đưa nhìn người nghe khắp phòng, có thể sử dụng động tác, gương mặt để biểu cảm, nên di chuyển khi thuyết trình thay vì đứng nguyên một chỗ.
-Thái độ: cởi mở, thân thiện, thể hiện nhiệt huyết. Lưu ý, tuyệt đối không đọc từ bài giảng hoặc slide.
-Đặt câu hỏi: quá trình dạy học là quá trình tương tác với sinh viên thông qua việc hỏi và trả lời. Việc giảng dạy không chỉ là giảng bài mà là bất kì điều gì chúng ta có thể thực hiện để giúp đỡ và khuyến khích sinh viên của mình học tập. Nên để lại cho sinh viên một câu hỏi sau mỗi bài thuyết trình.
-Tổng kết vấn đề: kết thúc mỗi phần thuyết trình, nên tóm lại các ý chính để sinh viên nắm bắt các vấn đề cơ bản nhất.
Trong thuyết trình, nên chú ý thêm chút hài ước để tạo sự phấn khích và giải trí cho sinh viên, đừng quên tạo những khoảng lặng để các ý tưởng thấm vào người nghe!
3. Thứ ba, kỹ năng giải quyết tình huống phát sinh
Mặc dù các thầy, cô đã chuẩn bị bài giảng rất cẩn thận và có kỹ năng thuyết trình tốt kết hợp với lòng nhiệt tình nhưng đôi lúc không tránh khỏi những trục trặc trong quá trình giảng bài, trong từng tình huống cụ thể phải giải quyết rất thông minh và nhanh trí, ví dụ các tình huống như sau xoay quanh vấn đề đặt câu hỏi và trả lời:
 Một là, khi các thầy, cô đặt câu hỏi nhưng không có câu trả lời: Sẽ có những lúc câu hỏi các thầy, cô đưa ra lại bị rơi vào im lặng tưởng chừng như vô tận. Sinh viên cúi mặt, trầm ngâm, lẩn tránh ánh mắt của các thầy, cô. Giờ học trở nên uể oải. Khi rơi vào tình huống này, nên điều tra xem vấn đề gì đang xẩy ra bằng cách tự hỏi liệu câu hỏi của mình có phù hợp, có dễ hiểu với sinh viên không? Hoặc liệu có sự phản kháng nào từ phía sinh viên đối với mình không? Một cách thông minh là nên yêu cầu sinh viên ghi những suy nghĩ của họ ra giấy rồi tập hợp lại để các thầy, cô suy ngẫm và có sự điều chỉnh phù hợp.
 Hai là, khi các thầy, cô không chủ động được câu hỏi của sinh viên. Tình huống này đến khi sinh viên hỏi những câu hỏi mà các thầy, cô chưa chắc chắn lắm về câu trả lời. Nghệ thuật “đá bóng” nên được áp dụng, nghĩa là, nên đưa vấn đề đó ra để cả lớp cùng trao đổi. Mỗi sinh viên sẽ đóng góp một ý tưởng. Khi đó, các thầy, cô vừa có thời gian để suy ngẫm thêm vừa thu thập được các ý tưởng khác và sẽ dần dần định hình được câu trả lời. Nghệ thuật này rất nên được sử dụng trong giảng dạy kể cả khi các thầy, cô đã biết rõ câu trả lời, vì đó là cách kích thích sự tìm hiểu, đóng góp của sinh viên.
- Ba là, khi các thầy, cô nhận được những câu trả lời sai: thay vì việc im lặng hoặc nhận xét về câu trả lời sai làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, các thầy, cô nên khen sinh viên ở một khía cạnh khác. Ví dụ, “Tôi rất hoan nghênh sự dũng cảm của bạn”, “Câu trả lời này sẽ đúng hoàn toàn nếu tôi thay đổi câu hỏi như sau”, “Cảm ơn bạn đã gợi ý cho tôi một chủ đề thảo luận mới nhưng nó chưa phải là nội dung của buổi học hôm nay”…
- Vấn đề phương tiện giảng day cũng cần quan tâm đúng mức, tránh sự cố về máy chiếu, loa rú, rít gây khó chịu cho người nghe…
4. Thứ tư, kỹ năng đánh giá
 Sinh viên không sợ khó khăn gian khổ mà chỉ sợ mình bị lãng quên.
 Điểm số là rất quan trọng, nó như một giấy thông hành làm bận tâm cả người “nhận” và người “cho”. Cho điểm và đánh giá là khâu rà soát lại quá trình học tập của sinh viên và giúp các thầy, cô hiểu được mức độ tiến bộ của từng người. Thật không đơn giản để có thể đánh giá được công bằng và chính xác! Nếu các thầy, cô cho điểm quá cao sẽ không tạo được động lực cho sinh viên cố gắng. Ngược lại, nếu cho điểm quá thấp sẽ thủ tiêu sự cố gắng của sinh viên. Nên đánh giá để kích thích được sinh viên học tập và phấn đấu, khơi dậy sự hào hứng của sinh viên và đánh thức niềm khát khao trong học tập của họ. Một số gợi ý để đánh giá như sau:
Một là, nên đo lường thông qua những bài kiểm tra ngắn tại lớp, phải đánh giá trong cả quá trình học thay vì căn cứ vào kết quả của một bài kiểm tra, nên khuyến khích sinh viên bằng cách cho điểm cộng thay vì những điểm trừ, cộng điểm qua những bài nhận xét, thuyết trình…
Hai là, đề thi cũng là một nhân tố quan trọng trong quá trình đó, để có thể phân loại được sinh viên. Một đề thi được coi là“chuẩn” phải phản ánh được lực học của từng học sinh trong lớp, nghĩa là người học giỏi có thể được điểm cao, người học bình thường được điểm trung bình… đó là đề thi có “phổ điểm trải rộng”.

                                                           
ThS. Phạm Cẩm Hà  (Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật  Phương Nam)


1 nhận xét:

  1. Phải giỏi cả chuyên môn và phương pháp sư phạm mới có thể dạy giỏi

    Trả lờiXóa

hãy thể hiện chính kiến của bạn