QĐND
- Gần đến ngày kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và nhân
dịp đại hội Đảng các cấp góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, xuất
hiện một số ý kiến trái chiều, xuyên tạc quan điểm của Đảng ta về kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Họ cố tình bóp méo, cho rằng: Chính
việc xác định kinh tế thị trường định hướng XHCN là căn nguyên khiến cho đất
nước sau 40 năm giải phóng vẫn chưa thể “hoá Rồng”. Họ cũng suy diễn rằng: Gần
đây, Đảng ta đang “xoay trục” quan niệm về kinh tế thị trường XHCN…
Những suy diễn chủ quan
Xuất
hiện hai loại ý kiến khác nhau nhưng đều phiến diện, chủ quan: Một loại ý kiến
cho rằng, quan điểm của Đảng ta về kinh tế thị trường không có gì mới. Ngược
lại, một loại ý kiến thì suy diễn: Tại Đại hội XII, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ
đưa ra khái niệm mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN và một số phát biểu
của lãnh đạo Đảng, Nhà nước gần đây cho thấy dường như Đảng đang có sự “xoay
trục” về vấn đề này. Từ đó, họ đưa ra khuyến nghị Đảng phải lựa chọn con đường
kinh tế thị trường theo con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN) với kinh tế tư nhân
làm nền tảng.
Về
vấn đề trên, mới đây, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đã có bài viết “Kinh
tế thị trường và câu trả lời của Thủ tướng” nêu rõ hoàn toàn không có sự “xoay
trục tư tưởng” về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phát biểu của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng: “Kinh tế thị trường là thế nào, định hướng XHCN là thế nào,
phải nói cụ thể, không chung chung nữa” tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng
2-2015 là để trả lời cho một ý kiến tại phiên họp cho rằng, để bảo đảm định
hướng XHCN thì trong một số lĩnh vực như giáo dục hay y tế, Nhà nước vẫn phải
đầu tư là chính, nếu xã hội hóa quá mức, thì có thể dẫn tới nguy cơ “chệch
hướng”. Trong khi đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ
của đơn vị sự nghiệp công lập-một hướng đi được kỳ vọng là sẽ giúp các đơn vị
này, trong đó có các bệnh viện, nhà trường, phát triển mạnh mẽ. Thủ tướng khẳng
định: Không phải tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế hay giáo
dục theo cơ chế thị trường là không lo cho người nghèo. Đã là thị trường thì
phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, trước hết là giá cả,
phân bổ nguồn lực phải theo thị trường. Và đã thị trường thì phải công khai,
minh bạch, bình đẳng. Còn định hướng XHCN là Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng
công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại, bảo
đảm cho tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo…”. “Định hướng XHCN không
phải là có bao nhiêu bệnh viện của Nhà nước, không phải là quốc doanh chiếm bao
nhiêu, mà là làm sao để tất cả mọi người dân được hưởng những dịch vụ xã hội cơ
bản”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cổng
thông tin điện tử Chính phủ cũng khẳng định, mối quan hệ giữa kinh tế thị trường
và định hướng XHCN chính là một trong tám mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh xây
dựng đất nước được thông qua tại Đại hội XI của Đảng yêu cầu “cần phải đặc biệt
chú trọng nắm vững và giải quyết tốt”.
Không thể đánh tráo khái niệm
Không
ít bài viết từ các báo hải ngoại gần đây đã viện dẫn một vài phát biểu hoặc ở
góc độ vi mô, hoặc do đơn giản, phiến diện của một vài cán bộ để cho rằng, Đảng
ta thay đổi quan niệm về kinh tế thị trường. Họ cố tình rêu rao: “Cái mô hình
đó làm gì có mà mãi đi tìm”, kinh tế thị trường và định hướng XHCN là hai yếu
tố đối kháng, làm sao kết hợp với nhau nên mô hình đó sẽ là “đầu Ngô mình Sở”
nên con đường tốt nhất là Việt Nam nên sớm lựa chọn kinh tế thị trường TBCN.
Luận
điệu trên không mới và chính là sự đánh tráo khái niệm nguy hiểm. Tiến sĩ Huỳnh
Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Chương trình
đào tạo và nghiên cứu chính sách kinh tế công tại Việt Nam do Trường Đại học
Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Đại học Harvard tổ chức) trong một nghiên cứu dài 58
trang về kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng cho biết: Sau thất bại của mô
hình kinh tế kế hoạch, các nước Đông Âu và Liên Xô đã cải cách theo kiểu “vụ nổ
lớn” để “xóa đi tất cả làm lại từ đầu” theo mô hình tư nhân hóa, các thể chế
kinh tế tập trung được thay bằng các thể chế thị trường. Một số nước đã có được
những thành công nhất định, trong khi một số khác chỉ đem lại sự thất vọng cho
công chúng cùng với bất ổn xã hội. “Khi mà pháp quyền không được tôn trọng để
chống lại tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, quy luật khắc nghiệt nhất của kinh tế
thị trường, thì một xã hội bất công cho phần lớn dân chúng đã được tạo ra.
Những xung đột xã hội hay sắc tộc gần đây chính là hậu quả của sự bất công
này”-TS Huỳnh Thế Du khẳng định và phân tích thêm về mô hình kinh tế thị trường
mà Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cải cách một cách thận trọng theo kiểu
“dò đá sang sông”. Theo ông, các hoạt động kinh tế từng bước được nới lỏng để
chúng tuân theo các quy luật thị trường. Kết quả rõ nhất đối với hai nước là
tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian rất dài, nhưng vẫn duy trì
được sự ổn định chính trị, xã hội; đem lại lợi ích cho rất nhiều người, nhất là
những cải cách về đất đai, nông nghiệp và nông thôn. Theo TS Huỳnh Thế Du, cần
phát triển thêm các lý luận của Mác - Lê-nin về vấn đề này.
Cũng
cần bác bỏ những quan điểm cho rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô
hình “không có mà tìm”. Tại cuộc Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam
và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề "Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị
trường-kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam", GS, TS
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
đã phân tích: Mô hình này đã được khởi thủy từ thời Lê-nin. Khi mới vận dụng
học thuyết Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga sau Cách mạng Tháng
Mười, V.I.Lê-nin cũng đã từng chủ trương không áp dụng mô hình kinh tế thị
trường mà thực hiện "chính sách cộng sản thời chiến". Nhưng chỉ sau
một thời gian ngắn, Người đã phát hiện ra sai lầm, khắc phục sự nóng vội bằng
cách đưa ra thực hiện "chính sách kinh tế mới" (NEP) mà nội dung cơ
bản của nó là khuyến khích phát triển kinh tế hàng hóa, chấp nhận ở mức độ nhất
định cơ chế thị trường; sử dụng quan hệ hàng hóa-tiền tệ và phát triển kinh tế
hàng hóa nhiều thành phần, đặc biệt là sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước để
phát triển lực lượng sản xuất. Tuy chỉ mới thực hiện trong thời gian ngắn nhưng
NEP đã đem lại những kết quả tích cực cho nước Nga: Hồi phục và phát triển nền
kinh tế bị chiến tranh tàn phá. Tiếc rằng, tư tưởng của V.I.Lê-nin về chính
sách NEP đã không được tiếp tục thực hiện sau khi Người qua đời. “Kinh tế thị
trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa
xã hội (CNXH). Đây là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển
của kinh tế thị trường. Cũng có thể nói kinh tế thị trường là "cái phổ
biến", còn kinh tế thị trường định hướng XHCN là "cái đặc thù"
của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam”-GS, TS
Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Mặt
khác, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ý kiến cho rằng, không thể có kinh tế
thị trường định hướng XHCN; rằng CNXH và kinh tế thị trường không thể dung hợp
với nhau là không đúng. Những ý kiến này hoặc muốn trì kéo Việt Nam trong quỹ
đạo phát triển của CNTB, hoặc không thoát ra được khỏi tư duy cũ, đồng nhất
kinh tế thị trường với CNTB, cho kinh tế thị trường là cái riêng có của CNTB,
từ đó "dị ứng" với kinh tế thị trường, không thấy hết những yếu tố mới,
xu hướng mới của kinh tế thị trường trong điều kiện mới của thời đại, lặp lại
sai lầm của một thời trước đây.
Kiên định con đường đã chọn
Sinh
thời, chính Các Mác đã từng phê phán sự nhầm lẫn giữa kinh tế hàng hóa với kinh
tế TBCN của phái kinh tế học tầm thường. Tương tự, với kinh tế thị trường ngày
nay, cần có sự phát triển mới và không nên nhầm lẫn giữa kinh tế thị trường và
CNTB.
Dự
thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng trên cơ sở nghiên cứu tổng kết thực
tiễn, kế thừa và tiếp thu những thành quả lý luận của các đại hội Đảng qua 6 kỳ
đại hội, đã nêu ra định nghĩa mới về khái niệm kinh tế thị trường định hướng
XHCN. Dự thảo xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền
kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng
thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất
nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý
của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển
của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế,
trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực
quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng,
hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy
động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để
giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực Nhà nước được phân bổ theo chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định
hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình
đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ,
chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng
chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển
kinh tế-xã hội”.
Nghiên
cứu nội dung trên, có thể thấy nhiều nội hàm phát triển mới về kinh tế thị
trường định hướng XHCN nhưng không có sự “xoay trục” về kinh tế thị trường theo
con đường TBCN. Tại cuộc tọa đàm “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng
XHCN” tổ chức tại Hà Nội gần đây, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hội
đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng
định: “Trong quá trình đổi mới, Đảng ngày càng nhận thức rõ, sát thực tế hơn
khái niệm tổng quát về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thực tiễn 30 năm đổi
mới đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm
phương tiện để xây dựng CNXH. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất
là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò,
hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp
trong nền kinh tế được nâng lên. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện,
bình đẳng và thông thoáng hơn. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường
được hình thành đồng bộ hơn, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường
khu vực và quốc tế. Hầu hết các loại giá cả hàng hóa, được xác lập theo nguyên
tắc thị trường. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị
trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế-xã hội”.
PGS,
TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản trong một bài viết gần đây có
đặt ra nhiều giả thiết, tình huống trong xây dựng kinh tế thị trường định hướng
XHCN và khẳng định: "Thực tiễn gần 30 năm đổi mới ở nước ta đã chứng minh
đầy sức thuyết phục rằng: Con đường đi lên CNXH ở nước ta phải kinh qua kinh tế
thị trường. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là con đường hiện
thực và tối ưu đối với dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, những thiết kế cụ thể để mô
hình đó hoạt động hiệu quả còn là thách thức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân
ta. Song, trên giác độ nhận thức luận, không còn nghi ngờ gì về con đường đã
chọn. Vấn đề là kiên định mục đích, linh hoạt trong phương thức thực hiện".
NGUYỄN VĂN MINH
Chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt phân tích và nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ và vạch trần những luận điệu xuyên tạc của chúng
Trả lờiXóa