Vợ chồng thương binh nặng Nguyễn Văn Yểng |
Đến Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc
Ninh)-một trong những cơ sở chăm sóc, điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng
lớn nhất cả nước, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu,
nghị lực phi thường và sự hy sinh cao cả của những "người bạn đời"
của các thương binh.
Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, các thương binh
nặng trở về với nhiều bệnh tật, đau đớn về thể xác, nhưng họ
được bù đắp bởi “một nửa” giàu đức hy sinh và tình cảm yêu thương vô hạn.
Câu chuyện về mái ấm của gia đình ông Hoàng Văn Uyên và bà Trần
Thị Hồng vẫn luôn được người dân quanh vùng truyền tai nhau như để truyền “lửa”
cho gia đình êm ấm, hạnh phúc. Tìm về nhà bà Hồng vào những ngày cuối tháng 5,
tôi được bà đón tiếp bằng sự niềm nở và ấm nước vối tươi mát do chồng hãm cho
bà mỗi ngày. Bà Hồng là thanh niên xung phong, còn ông Uyên là chiến sĩ công
binh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hai người quen nhau khi làm nhiệm vụ
tại Đường Trường Sơn và cùng nguyện ước ngày đất nước giải phóng sẽ nên
nghĩa vợ chồng. Nhưng thật không may, năm 1968, bà Hồng bị mảnh bom B52 tiện
cụt hai tay. Nỗi đau về thể xác dần bà cũng vượt qua, nhưng sự thiệt thòi khi
không còn đôi tay có lẽ bà sẽ chẳng thể vượt qua nếu không có chồng mình-người
đàn ông sẵn sàng hy sinh, bù đắp, làm thay bà mọi việc.
Bà Hồng bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, khi biết mình cụt cả hai tay,
có mơ tôi cũng không nghĩ ông Uyên vẫn lấy tôi làm vợ. Vì cuộc sống lúc đó rất
khó khăn, với người lành lặn đã vất vả thì với người như tôi sẽ còn nhọc nhằn
gấp bội. Tôi hiểu rằng khi lấy tôi, chồng không chỉ làm công việc của một
người chồng mà còn phải đảm đương cả công việc của một người vợ nữa”.
Bằng tình yêu chân thành, ông Uyên xây dựng gia đình với bà Hồng
năm 1969, sau khi vết thương của bà đã liền sẹo. Năm 1977, bà Hồng được chuyển
về điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành và ông Uyên lại
theo vợ, xin làm thợ sửa chữa xe ba bánh ở trung tâm. Do bà Hồng bị cụt tay nên
mọi việc lớn nhỏ đều do ông Uyên lo toan, gánh vác. Hơn 40 năm, sự vất vả, tảo
tần chăm vợ, nuôi con của ông Uyên được đền đáp khi hai người con của gia đình
đều có học vị thạc sĩ và có công việc ổn định. Ông Uyên chia sẻ: “Mất đi đôi
bàn tay, vợ tôi là người thiệt thòi hơn cả. Mọi sinh hoạt đều khó khăn. Tôi tự
nhủ mình phải cố gắng gấp đôi, mình phải như đôi bàn tay thứ hai của vợ, thay
vợ chăm lo cho gia đình, con cái thật tốt”.
Không giống như ông Uyên và bà Hồng đã yêu nhau trước khi bà
Hồng bị thương, vợ chồng Nguyễn Văn Yểng-Nguyễn Thị Lịch lại khiến bất cứ ai
biết được đều khâm phục tình yêu của cô hộ lý với anh thương binh bị liệt hoàn
toàn nửa dưới của cơ thể. Ông Yểng nhập ngũ tháng 2-1961, chiến đấu trên khắp
các mặt trận, đến năm 1969 thì ông bị thương ở cột sống dẫn đến bị liệt nửa
người. Tháng 6-1976, ông được chuyển về an dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng
Thương binh Thuận Thành. Tại đây, ông đã gặp được “một nửa” của cuộc đời mình.
Kể với chúng tôi, ông bảo: Thời gian đầu mới
về trung tâm, tôi cũng như các anh em khác đều có chung một tâm trạng chán
chường, buồn tủi bởi sự đau đớn giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhìn vợ
với ánh mắt biết ơn, ông Yểng tâm sự: “Cũng may trời bù đắp cho tôi có
bà ấy. Vợ tôi làm hộ lý ở trung tâm, hết giờ làm việc lại về làm hộ lý cho
tôi; tần tảo sớm hôm, lo toan mọi việc. Hơn 40 năm chung sống, nhiều khi bệnh
tật hành hạ tôi; những lúc khó khăn kinh tế “bủa vây” gia đình, nhưng trong
bất cứ hoàn cảnh nào, vợ tôi luôn là nguồn động viên, khích lệ để tôi thêm vững
tin dưỡng bệnh, các con cố gắng học hành”.
Nhớ lại ngày mới thương nhau, bà Lịch bồi hồi: “Ngày ấy gia đình
tôi phản đối dữ lắm. Ai cũng bảo lấy ông Yểng thì chỉ có khổ cả đời. Nhưng tôi
vẫn quyết tâm đến với ông ấy. Tuy cuộc sống có vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ
hối hận về quyết định của mình. Tôi thương ông ấy bởi sự chất phác, hiền lành;
vì những hy sinh mất mát mà cuộc đời ông ấy đã trải qua”.
“Mấy chục năm đã qua, nhưng tôi chẳng bao giờ nghe thấy sự to
tiếng, cãi cọ mà chỉ thấy niềm vui, những tiếng cười từ mái ấm của những thương
binh. Những người vợ, người chồng của các thương binh giống như những anh hùng
với sự thủy chung, son sắt, sâu nặng nghĩa tình”-Đó là lời của ông Nguyễn Khắc
Dư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành khi nhận xét về những
gia đình thương binh, bệnh binh đang điều trị, điều dưỡng tại trung tâm này.
Bài và ảnh: ĐOÀN NAM
LỚp trẻ nên học tập hai cụ này
Trả lờiXóa