Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

LIÊM SỈ VÀ LÒNG TỰ TRỌNG

Liêm sỉ là cái gốc của lòng tự trọng
góp phần quyết định nhân cách một con người
Muốn xã hội ngày càng tốt đẹp, trong sáng không chỉ coi trọng và thượng tôn pháp luật mà rất cần đến liêm sỉ và tự trọng của mỗi con người.
Chuyện của một học sinh
Buổi tối, tôi đang ngồi làm việc thì thấy chuông điện thoại reo. Bật máy, bên kia đầu dây tôi nghe một giọng nam mệt mỏi và yếu ớt: “Thưa thầy em là… gọi cho thầy từ Vũng Tàu. Em xin lỗi thầy vì đã chép văn của thầy để in thành sách của mình”. Rồi em trình bày đầu đuôi câu chuyện…

- “Tôi biết rồi. Tôi có nghe mọi người nói và gửi cho tôi những trang bạn đã chép. Tôi khá bận nên không theo dõi,… nhưng khi biết thì thấy buồn và lo cho cậu”.
- “Vâng, mấy hôm nay em không ngủ được và đã xin nghỉ dạy 1 tuần rồi thầy ạ”. Tôi hơi giật mình, hỏi lại: “Sao lại phải xin nghỉ dạy?”
- “Thì em còn mặt mũi nào đứng trước học sinh nữa hả thầy?”
- “Xin nghỉ dạy làm gì. Là người ai cũng có thể phạm lỗi, mắc sai lầm. Điều quan trọng là sau đó mình nhận ra, thành thực khắc phục lỗi là được rồi”.
- “Nhưng em vẫn thấy xấu hổ quá trước học sinh và mọi người…”- Giọng có vẻ nghẹn ngào, hình như cậu ấy đã… khóc.
Tôi bỗng thấy thương em thật lòng. Em ấy đã đau khổ và hối hận thật sự.
Ở đâu và làm gì cũng thế thôi, khi làm sai, người ta thấy xấu hổ, thấy hối hận vì việc mình đã gây ra. Như thế là còn liêm sỉ, còn là người có giáo dục và tôi tin người ấy nhất định sẽ sống tốt hơn, sẽ không lặp lại sai lầm đó nữa.
Chẳng bù cho những kẻ tội trạng còn nặng gấp ngàn lần người giáo viên trẻ này. Một người có chức quyền, mang tiếng là giáo sư, tiến sĩ; là nhà này nhà nọ; bị phát hiện đạo văn một cách có hệ thống, ăn cắp chữ nhiều năm, nhiều lần dưới nhiều hình thức tinh vi; rồi hơn nửa năm qua 30 tờ báo với khoảng 150 bài đã chỉ ra đầy đủ bằng chứng, ăn cắp đã rõ như ban ngày rồi… thế mà vẫn cãi chày, cãi cối; vẫn chối quanh, chối quẩn hòng đánh bùn sang ao, vấy bẩn lên người khác…Người ta gọi đó là loại vô liêm sỉ.
Liêm sỉ là sự ngay thẳng, trong sạch, không tơ hào, tham lam, vụng trộm, lấy của người làm của mình; là biết xấu hổ, biết nhục trước những gì sai trái, thấp kém, yếu hèn, ti tiện; biết ân hận vì những gì mình đã làm sai… Liêm sỉ là cái gốc của lòng tự trọng góp phần quyết định nhân cách một con người. Và xa hơn quyết định tính cách một dân tộc. Liêm sỉ và lòng tự trọng với nước Nhật là một ví dụ điển hình.
Chuyện liêm sỉ ở Nhật
Từ thuở ấu thơ tôi đã từng nghe chuyện về những người lính Nhật đóng chiếm Đông Dương, trong đó có Việt Nam, vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, khi thất thủ không chịu làm tù binh, trung thành với Tổ quốc, không phản bội Nhật Hoàng, không chịu nhục… đã mổ bụng tự sát. Xem phim Nhật cũng thấy lòng tự trọng ấy thể hiện rất rõ ở tinh thần võ sĩ đạo – Samurai, tinh thần sẵn sàng chết trong danh dự, vì danh dự.
Không chỉ là những võ sĩ đạo có lòng tự trọng như trong truyện cổ, mà ngay với người dân Nhật bình thường cũng hết sức coi trọng liêm sỉ. Giữ gìn liêm sỉ và lòng tự trọng được coi là cả một truyền thống, một cốt tính của người Nhật chứ đâu phải chỉ là “đặc quyền” của một giai tầng.
Chẳng phải thế mà một người ăn xin, trong đêm giao thừa, không nhà không cửa, khi được mời uống rượu vui cùng mọi người ở một công viên đã kiên quyết chối từ, nếu không cho ông góp công bằng cách dọn dẹp, bày biện, quét dọn nơi tụ họp. Rồi một cặp vợ chồng già, nuôi gà trang trại, do vô tình không biết trong đàn gà của vợ chồng mình có 2 con bị cúm, sau khi nhập sản phẩm, người ta phát hiện ra… Ông bà xấu hổ quá, đêm đến bèn thắt cổ tự vẫn.
Tôi bàng hoàng khi biết mỗi năm đất nước này có tới 35.000 người tự tử, cứ một ngày có tới 90 người nhảy lầu; hàng năm người ta tìm thấy hàng trăm xác người tự vẫn trong núi Phú Sĩ … Tất nhiên việc tự tử có nhiều nguyên do, nhưng lý do chính vẫn là xuất phát từ lòng tự trọng, không chịu được nỗi nhục và sự xấu hổ. Một ông chủ nhà băng vỡ nợ, một công nhân bị đuổi việc, một kỹ sư bị sa thải, một học sinh thi trượt đại học… thế là tự tử.
Chính vì thế người Nhật rất kiêng kỵ khi xúc phạm người khác, họ tìm mọi cách nói giảm, nói tránh, bằng những hành động nhẹ nhàng, ít tính đe dọa, ít “bóc mẽ" người khác trước đám đông.
Khi một lái xe phạm luật giao thông, người cảnh sát không bắt tài xế phải xuống trình giấy tờ mà chính cảnh sát phải tới sát buồng lái để hỏi, chỉ vì để giữ cho người lái xe khỏi bị xúc phạm.
Một cửa hàng sau khi lắp đặt camera để quản lý và trông coi hàng hóa phòng khi bị mất cắp, lập tức sau một thời gian không có người Nhật nào đến mua hàng nữa. Lý do cửa hàng bị tẩy chay vì như thế là không tin vào phẩm chất trung thực, cũng có nghĩa là đã xúc phạm lòng tự trọng của người Nhật. Từ đó các siêu thị ở Nhật không có camera như ở các nơi khác.
Các nhân viên của công ty đi công tác hoặc làm việc công không cần lấy hóa đơn, dấu má gì mà chỉ khai theo ghi chép của chính người đó: vé tàu xe hết bao nhiêu, chi phí công việc mất bao nhiêu, ăn uống hết thế nào… Người ta tin tưởng tuyết đối vào sự trung thực của nhân viên.
Tất nhiên cũng có trường hợp gian lận này nọ xảy ra… nhưng khi bị lộ người này chắn chắn mất việc, cao hơn nữa là mất cả lòng tự trọng và rất dễ lại xảy ra một vụ tự sát…
Tôi rất thích câu chuyện mang đầy tính giáo dục về lòng tự trọng này: ở Nhật khi một đứa trẻ 2-3 tuổi lẫm chẫm đi theo mẹ, chẳng may bị trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy. Thay vào đó, bà mẹ quay lại nói với đứa trẻ: con hãy cố tự mình mà đứng dậy. Không sống dựa dẫm, cố mà đứng dậy ngay chỗ mình vấp ngã là tinh thần và ý thức mà người Nhật được dạy dỗ ngay từ khi còn nhỏ.
Có lẽ vì tránh sự xúc phạm vào lòng tự trọng của mỗi con người mà ngay cả trong gia đình, khi vợ chồng xung đột, người Nhật thường không cãi vã mà chỉ im lặng. Im lặng có khi cả tuần, cả tháng, nhiều tháng. Lâu hơn nữa, rồi bỗng nhiên ra tòa. Ly dị. Thế thôi. Không nói và không hành động gì. Có lẽ khi nói và hành động rất dễ xúc phạm đến người khác, chắc họ cũng nghĩ “một lời nói, một đọi máu”, nhất là lúc đang giận dữ. Người Nhật chọn giải pháp im lặng như một minh triết về lòng tự trọng.
Không nhờ cậy, không làm phiền người khác, không lấy không của ai cái gì và cũng không cho không ai cái gì. Một anh bạn ngỏ lời xin điếu thuốc lá, bạn anh đương nhiên đưa ngay. Nhưng cũng rất nhanh, anh xin thuốc rút trong túi ra 10-15 Yên trả cho người đưa thuốc đúng số tiền của điếu thuốc vừa nhận.
Đi ăn nhậu càng thế, ai ăn người ấy trả. Vui chung thì chia nhau trả. “Không ai phải nợ ai, không ai phải hàm ơn ai”. Họ bảo thế. Lâu lâu thành nếp sống quen, rất dễ chịu. Hình như đó là nguyên tắc sống của người Nhật nói riêng và của các nước phát triển nói chung…
Một đất nước mà từ người ăn mày, ăn xin đến các viên chức, công dân bình thường đều biết xấu hổ, đều có một lòng tự trọng như thế thì dễ hiểu chuyện đất nước ấy thay liên tục 3-4 Thủ tướng trong vài ba năm. Không phải người đứng đầu bị cách chức mà là họ từ chức. Từ chức vì có liêm sỉ, vì lòng tự trọng.
Chẳng lẽ người có học, có văn hóa, có trình độ, có quyền chức… lại không có lòng tự trọng bằng một thằng ăn mày? Kết quả là bất kỳ trong lĩnh vực nào chỉ cần một sai phạm nhỏ, cho dù do cấp dưới gây ra, người đứng đầu vẫn thấy đó là trách nhiệm của chính mình, là lỗi của mình... Đó là câu chuyện của nước Nhật…
Trở lại chuyện nước mình
Sau cuộc điện thoại, tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện liêm sỉ ở nước mình. Cũng là bị phát hiện đạo văn nhưng vì sao 1 giáo viên bình thường còn biết xấu hổ thực sự, mà người có chức, có quyền, có danh lại không hề có chút liêm sỉ? Lẽ ra, người có chức cao quyền trọng, có danh vọng càng cao thì càng phải có liêm sỉ chứ?
Giống như ở Nhật người càng có văn hóa cao càng phải có ý thức nhận lỗi, càng phải biết liêm sỉ và giữ gìn lòng tự trọng. Tôi từng chứng kiến một vị GS người Nhật, khi bị xe người khác làm ngã, ông đứng dậy xin lỗi người làm ông ngã trước: “xin lỗi vì tôi mà ông gây ra chuyện này”.
Cũng mang danh là GS.TS, là đảng viên hẳn hoi, lại từng là lãnh đạo, cấp trên của nhiều GS.TS khác thế mà sao không có nổi một chút liêm sỉ và lòng tự trọng?
Không một tổ chức hay cá nhân nào có thể kiểm soát được tất cả các việc làm và suy nghĩ của tất cả mọi người. Vì thế muốn xã hội ngày càng tốt đẹp, trong sáng không chỉ coi trọng và thượng tôn pháp luật mà rất cần đến liêm sỉ và tự trọng của mỗi con người.
Đỗ Ngọc Thống


2 nhận xét:

  1. Là người thì phải biết nhận ra những sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa; đó là người có liêm sỷ

    Trả lờiXóa

hãy thể hiện chính kiến của bạn