Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

TRUNG TƯỚNG NGUYỄN QUỐC THƯỚC VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN CHIẾN TRƯỜNG


Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội 3 khóa 8, 9, 10. Ông sinh ngày 3-2-1926, tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1965, ông vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, đến tháng 4-1970, chiến trường Attapeu (Lào) gặp khó khăn, khi đó ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24A, nhận lệnh sang chiến đấu ở đây. Chỉ trong vòng 2 ngày, Trung đoàn 24A do ông chỉ huy đã quét sạch quân địch, giải phóng thị xã Át Ta Pư. Sau đó tấn công, giải phóng tiếp cao nguyên Poroven, ông lại nhận lệnh đưa Trung đoàn 24A từ Attapeu sang Campuchia chiến đấu. 

Đường từ Attapeu đến vùng Đông Bắc Campuchia khá xa, lại chưa biết đường, gạo thì vẻn vẹn có 7 ngày, biết bao khó khăn chồng chất, ấy vậy mà Trung đoàn 24A do ông chỉ huy vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã cùng đồng đội góp phần không nhỏ vào giải phóng tỉnh Stung Treng và Pray Veng (Campuchia), tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Campuchia lúc đó.
Đến năm 1972, Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh đang cam go, ác liệt, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, chỉ huy trung đoàn với nhiệm vụ cắt đường 14 ở đoạn Võ Định, không cho địch ở thị xã Kon Tum đến chi viện cho căn cứ 42 ở Tân Cảnh. Hầm của ông bị bom B52 đánh sập, mọi người tìm kiếm mãi mới thấy ông, khi tỉnh lại, ông quyết không nhập viện. Ông nghĩ, nhiệm vụ cắt đường rất quan trọng, mình đi viện sẽ gây tâm lý hoang mang cho bộ đội, mặc dù rất mệt, nhưng ông vẫn ở lại chỉ huy chiến đấu.
Trong trận đánh này, Trung đoàn 28 do ông chỉ huy đã bẻ gẫy nhiều đợt tấn công của sư 23 ngụy, cắt đứt đường 14 đoạn Võ Định, góp phần quan trọng cho Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh thắng lợi. Nhắc tới ông, người ta nhắc tới vị Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, một chiến dịch đã tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử giải phóng dân tộc. Trong chiến dịch này, ông có một vinh dự đặc biệt là được thay mặt Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội báo cáo trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhận chỉ thị từ Đại tướng, Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp vạch kế hoạch nghi binh đánh vào Buôn Mê Thuột. 
Khi về Tây Nguyên, ông cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xây dựng phương án tác chiến, bày binh bố trận một chiến dịch thật tuyệt vời, tạo thế chiến lược mới cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông đảm nhiệm nhiều chức danh như Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, Tư lệnh Quân đoàn 3, Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, đại biểu Quốc hội 3 khóa liền (8, 9, 10), vậy mà mỗi lần gặp đơn vị, địa phương, anh em chẳng ai đọc chức danh ông mà chỉ gọi ông bằng cái tên rất thân tình: "Cụ Thước", giống như gọi cha, gọi chú trong gia đình.
Tại sao những người lính Tây Nguyên lại yêu quý, kính trọng và ngưỡng mộ cụ Thước đến vậy? Là bởi, ông là người chỉ huy có tâm và có tài, hết lòng vì lính, yêu thương lính như con em ruột thịt trong nhà. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thi, cựu chiến binh Trung đoàn 24A cho biết: “Những ngày chiến đấu ở Tây Nguyên, dù ở cương vị là Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên hay Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, tướng Thước luôn sống đức độ và quý mến lính của mình, ông chưa bao giờ nặng lời với cấp dưới. Ông luôn suy nghĩ, tìm tòi các biện pháp, các cách đánh để làm sao cho bộ đội ít thương vong nhất”. 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói với chúng tôi: “Là chỉ huy, tôi luôn đồng cam, cộng khổ cùng lính, ra chiến hào nằm với lính, cùng bò vào tận hàng rào địch với lính, cùng ăn ngày 1, 2 lạng gạo với lính. Có thời kỳ chiến trường Tây Nguyên khó khăn quá, không có gạo, tôi cùng lính ăn rau rừng để sống”.
Sau này, trở thành vị tướng trong quân đội, không bao giờ ông thôi nghĩ tới người lính. Mỗi lần gặp đơn vị, ông luôn căn dặn, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, là tướng lĩnh trẻ, phải luôn cảm ơn những đồng chí, đồng đội của mình. Không có những người lính chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình để hoàn thành nhiệm vụ thì chắc gì mình còn sống và trở thành tướng như hôm nay. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hóm hỉnh nói với chúng tôi: “Tớ nói cậu nghe, có những người lính ở những vùng rất xa, nhà cũng nghèo, chẳng có gì, nhưng có dịp vẫn gửi khi thì cân cam, khi thì cân chè, khi thì ít đặc sản vùng miền, tớ cảm thấy thế là hạnh phúc lắm rồi”.
Tuy đã nghỉ hưu, tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn luôn trăn trở, làm sao để đưa được các liệt sĩ trở về quê hương. Ông đi khắp các nghĩa trang của Tây Nguyên để thắp hương cho đồng đội. Năm 2018, lúc đã 92 tuổi, ông vẫn trèo lên điểm cao 1015 ở Kon Tum thắp hương cho đồng đội hy sinh ở đây. Do tuổi cao, cộng với thời tiết khắc nghiệt, ông ngã gục dọc đường lên núi, mọi người xúm vào cứu chữa, ông bảo: “Nếu tớ có chết, hãy chôn tớ tại đây, để tớ được gần anh em đồng đội”. Câu nói của ông đã làm cho tất cả mọi người đi cùng rưng rưng nước mắt. 
Cũng như bất kỳ người lính nào, ông luôn là người trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Tướng Thước luôn đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước, của Đảng lên trên hết.


2 nhận xét:

  1. TRung tướng Nguyễn Quốc Thước là người rất giỏi và luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết; thế hệ trẻ chúng ta hãy học tập và làm theo

    Trả lờiXóa

hãy thể hiện chính kiến của bạn