Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Cảnh giác với những bình luận sai lệch về sửa đổi Hiến pháp


QĐND - Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (DTSĐHP) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII cho thấy, việc lấy ý kiến nhân dân vào DTSĐHP lần này thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng, không chỉ ở trong nước mà cả đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Theo thống kê của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính đến nay đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào DTSĐHP. Nhìn chung, đại đa số ý kiến của nhân dân đều tán thành với DTSĐHP do Ủy ban DTSĐHP công bố. Báo cáo cũng tổng hợp các ý kiến tâm huyết, tham gia ý kiến vào bản DTSĐHP. Những ý kiến này đã được Ủy ban DTSĐHP trình bày trước Quốc hội để các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận.

Trên thực tế, các khâu, các bước tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP được tiến hành chặt chẽ, công khai với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, vậy mà trên một số trang mạng, người ta vẫn đưa ra những đánh giá, bình luận sai lệch về kết quả đóng góp công sức, trí tuệ của nhân dân và hệ thống chính trị trong đợt sinh hoạt tư tưởng, pháp lý quan trọng này. Chẳng hạn, người ta cho rằng: Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân về DTSĐHP tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII “chẳng có gì mới" so với bản DTSĐHP đã công bố; một số ý kiến tỏ thái độ thất vọng trước việc một số vấn đề "nhạy cảm" như “kiến nghị” xóa bỏ Điều 4; thay đổi tên nước; chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, sở hữu đất đai... không được chấp nhận theo ý muốn của họ.
Bộ Tư pháp lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nguồn:  QĐND Online.
Với yêu cầu sửa đổi (chứ không phải là viết lại), thì văn bản DTSĐHP lần này sửa đổi, bổ sung khá nhiều nội dung mới và quan trọng. DTSĐHP đã kế thừa, phát triển các quy định của Hiến pháp năm 1992, hoàn thiện hơn về mọi phương diện để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Chẳng hạn: DTSĐHP đã bổ sung khái niệm “kiểm soát” vào nguyên tắc “phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2, khoản 3)… DTSĐHP đưa quy định quyền con người vào Chương II, hình thành Chương: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Chương này được đặt ngay sau Chương I “Chế độ chính trị”. Điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp và quy định cụ thể những nguyên tắc nhằm bảo đảm tốt nhất các quyền của con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Về Điều 4, DTSĐHP tiếp thu ý kiến góp ý, bổ sung quy định về bản chất của Đảng thể hiện giá trị lịch sử truyền thống và ước nguyện của dân tộc. Ở Điều 9 và Điều 10, các quy định của Hiến pháp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9) và vai trò của tổ chức công đoàn (Điều 10), DTSĐHP đã tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân, cụ thể là: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập trên cơ sở tự nguyện, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Điều 58, quy định về thu hồi đất, tiếp thu ý kiến của nhân dân, DTSĐHP bổ sung nội dung như sau: “Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”. Điều 70, về lực lượng vũ trang, cũng đã được Ủy ban DTSĐHP tiếp thu ý kiến nhân dân để sửa đổi…
Công bằng mà nói, các ý kiến góp ý vào DTSĐHP lần này thể hiện rõ trách nhiệm chính trị của các tầng lớp nhân dân, xuất phát từ những bức xúc về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong những năm qua. Đây cũng là ước nguyện của nhân dân mong muốn đưa đất nước ta sớm vượt ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.
Một số ít người hy vọng có thể lợi dụng vào việc tham gia ý kiến vào DTSĐHP nhằm từng bước thay đổi tính chất của chế độ xã hội; thay đổi thể chế của Nhà nước ta. Thực tiễn cho thấy, bất kỳ người dân Việt Nam yêu nước nào cũng đều nhận thức được rằng: Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này không có mục đích nào khác là nhằm củng cố và phát triển chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
CHÍ THÀNH - ĐỨC GIANG

1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá đất nước thì các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, làm rõ và tìm ra các đối tượng phản động, để xử lý thật nghiêm minh.

    Trả lờiXóa

hãy thể hiện chính kiến của bạn