Thượng úy Đỗ Đức Việt anh dũng hi sinh, để lại nỗi đau vô hạn cho gia đình, trong nỗi đau ấy sáng lên niềm tự hào về một người hùng trong thời bình. “Sau mấy ngày thức trắng, cứ bê bát cơm lên là chực trào nước mắt, đêm qua vợ chồng động viên nhau, cố nén thương đau để lo hậu sự cho con”, ông Đỗ Văn Tư - Trưởng Công an xã Hòa Sơn (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), bố của Thượng úy Đỗ Đức Việt - nói khi vừa tiễn đoàn khách đến thăm hỏi, động viên gia đình.
Ông Tư cho biết, Việt ngoan ngoãn,
sống tình cảm, chưa bao giờ làm bố mẹ phiền lòng. Ngày còn nhỏ, Việt thích xem
phim siêu nhân, nhiều lần thấy người dân được các chiến sĩ cảnh sát cứu ra từ
đám cháy, ví họ giống siêu nhân nên nuôi dưỡng ước mơ trở thành lính cứu hỏa.
“Là
người trong ngành, tôi thấu hiểu nỗi vất vả, hiểm nguy của công an, nhưng biết
con thích nghề cứu hỏa nên gia đình ủng hộ và tạo điều kiện. Khi con học cấp
ba, có những chiều tôi chạy xe máy gần trăm cây số từ Hà Đông về Mỹ Đức để đưa
con đi học thêm vì thầy ở đó rất giỏi”, ông Tư kể.
Không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ, năm
2016, Đỗ Đức Việt thi đậu hệ trung cấp Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Là
con ngoan, trò giỏi, Việt còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ
những hoàn cảnh khó khăn.
Bốn năm trước, khi còn là sinh viên,
Việt từng được cộng đồng mạng hết lời khen ngợi khi có hành động đẹp giúp đỡ
hai bà cụ bán hàng rong qua đường giữa trưa hè nóng bức.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp phòng
cháy chữa cháy, Việt nhận công tác tại Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đến đầu năm 2021, Việt đăng ký
chương trình liên thông hệ vừa làm vừa học của Đại học Phòng cháy chữa cháy.
“Kể từ ngày
khoác lên mình áo lính cứu hoả, Việt không quản ngại vất vả, đảm nhận mọi nhiệm
vụ được giao, được đồng đội tin yêu; về nhà thì đỡ đần bố mẹ, dạy bảo em học
tập. Mỗi dịp Việt không phải trực chiến, được về nhà, bố con lại ngồi với nhau
uống chén rượu, lon bia rồi tâm sự chuyện nghề, dự định tương lai. Nó hứa cuối
năm nay sẽ cưới vợ và ở gần để còn chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Những tưởng gia
đình có nếp, tẻ, cuộc sống như vậy là đủ đầy, viên mãn, nhưng thật đau xót...”, ông Tư nghẹn ngào.
Ông Tư bảo, có lẽ từ nay đến cuối đời
sẽ không thể nào quên buổi chiều 1/8 định mệnh. Khi nghe tin con trai đi chữa
cháy gặp nạn, bỏ hết công việc đang dang dở tại cơ quan, ông tức tốc bắt xe ôm
đến Bệnh viện 19-8 Bộ Công an.
Trong thâm tâm lúc đó, ông Tư cầu
nguyện điểm đến sẽ là phòng cấp cứu. Nhưng không, khi đặt chân đến bệnh viện,
ông lại được dẫn đến nhà tang lễ. Chẳng còn tiếng nói, nụ cười rạng rỡ thường
trực khi bố con gặp nhau. Việt nằm đó bên cạnh hai đồng đội.
Mấy chục năm đứng trong hàng ngũ Công
an nhân dân, trải qua nhiều vị trí công tác, ông Đỗ Văn Tư nhiều lần chứng kiến
mất mát của người dân. Với sự gan dạ được tôi luyện, nhiều khi, ông giật mình
thoáng qua. Nhưng ngày hôm đó, ông cảm nhận nỗi đau tột cùng.
“Người ta
nói nếu mất bố mẹ, đứa trẻ là mồ côi, đàn ông mất vợ là goá vợ, phụ nữ mất
chồng là quả phụ, nhưng chẳng có tên gọi nào dành cho cha, mẹ mất con cả. Nỗi
đau của vợ chồng tôi không thể nói thành lời”, ông Tư chia sẻ.
Theo người cha này, sự chia sẻ, động
viên của họ hàng, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng là nguồn động lực để gia
đình gắng gượng chu toàn hậu sự cho con. Người đàn ông trạc tuổi 50 nghẹn
giọng: "Vài hôm nữa, khi hậu sự của cháu
hoàn tất, mọi người trở lại cuộc sống thường nhật. Còn vợ chồng tôi mãi mãi mất
đứa con, em gái Việt không còn người anh trai. Xót xa lắm!".
Ông Tư trầm ngâm một lúc rồi bảo rằng
sự ra đi của con trai là sự cố không may, ngoài ý muốn. Đang trải qua nỗi đau
không gì đong đếm được, ông được an ủi phần nào vì Việt còn trẻ đã biết hy sinh
bản thân vì người khác.
"Khi
xảy ra hỏa hoạn, người ta chạy ra chỗ an toàn, lính cứu hoả phải lao vào biển
lửa để cứu người. Con đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bố và gia đình tự hào về con.
Tạm biệt người hùng, đồng đội của bố!”.
thật tự hào về người con này
Trả lờiXóa