Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), được thông qua ngày 28/11/2013
"Trong không khí trang trọng, vinh dự và đầy trọng trách, 9 giờ 50 phút ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Đây là một sự kiện chính trị-pháp lý có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Bản Hiến pháp sửa đổi lần này là kết quả của một quá trình làm việc hết sức công phu, nghiêm túc, khoa học và thật sự dân chủ"-Theo TTXVN.
Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nó thỏa mãn sự mong mỏi của mỗi công dân Việt Nam. Trước đó, trong một thời gian khá dài, mọi người dân thuộc mọi thành phần, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, vùng miền, cả nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều được tham gia đóng góp vào bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992. Mọi ý kiến đều được trân trọng xem xét nghiên cứu và bổ sung phù hợp.
Một điều dễ cảm nhận thấy trong Bản Hiến pháp mới đó là quyền và nghĩa vụ của công dân được đề cao. Hiến pháp đã khẳng định nguyên tắc nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Vấn đề Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa cũng được đề cập rõ hơn, phù hợp với tình hình quốc tế mới hiện nay. Hiến pháp đã khẳng định: bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, là nghĩa vụ thiêng liêng, là quyền cao quý của công dân. Nhà nước có trách nhiệm củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh để không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, góp phần gìn giữ hòa bình ở khu vực và trên thế giới... Ngoài ra Hiến pháp mới cũng đề cập một cách sâu sắc, toàn diện và cụ thể hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, về phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương... và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Với 11 chương 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) và với kỹ thuật lập hiến khoa học và có nhiều đổi mới, vừa kế thừa những nhân tố hợp lý của kỹ thuật lập hiến nước ta, nhất là của Hiến pháp năm 1946, vừa kế thừa kỹ thuật lập hiến của nhân loại. Vì thế, Bản Hiến pháp mới ra đời chắc chắn sẽ được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong mọi tầng lớp nhân dân và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
doanvanhau1158@gmail.com
|
Nội dung bài viết rất hay
Trả lờiXóa