Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS Ninh Bình giúp nhân dân xã Ninh Hòa (Hoa Lư) làm đường giao thông liên thôn |
Chức năng, nhiệm vụ của
Quân đội nhân dân Việt Nam là vấn đề có tính bản chất của một quân đội của nhân
dân, do nhân dân và vì nhân dân. Là quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, sinh
ra ở một nước nông nghiệp, Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh xác định là một quân đội nhiều chức năng: chức năng chiến đấu, chức
năng công tác, chức năng lao động sản xuất. Trong đó, chức năng lao động sản xuất là chức năng cơ bản, thể hiện sâu sắc
bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường hơn 70 năm xây dựng,
chiến đấu, trưởng thành của Quân đội, chúng ta tự hào rằng, trong bất cứ điều
kiện, hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, Quân đội ta cũng luôn chủ động tổ chức
thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất bằng những hình thức, biện pháp sáng tạo,
phù hợp, đúng định hướng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân
dân, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Thực
hiện lời dạy của Bác: “Các cơ quan trong Quân đội phải cố sức
trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân”. Ngay từ ngày đầu thành lập và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị vừa xây dựng, chiến đấu,
công tác, vừa tích cực tăng gia, sản xuất, tự túc một phần nhu cầu đời sống.
Ngay sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, gần 08 vạn cán bộ, chiến sĩ
chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, tham gia xây dựng các cơ sở kinh tế, như:
Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Khu công nghiệp Việt Trì; công trình Đại thủy
nông Bắc - Hưng - Hải…
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Lực lượng Bộ đội Trường Sơn đã vượt
qua muôn vàn khó khăn, gian khổ mở tuyến chi viện chiến lược trên bộ với hơn
1.300km từ Quảng Bình đến chiến trường Đông Nam Bộ, kịp thời chi viện sức
người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam và chi viện cho nước bạn Lào,
Cam-pu-chia.
Sau khi đất nước thống nhất, các đơn vị Quân đội lại là lực
lượng xung kích trong hàn gắn vết thương chiến tranh, tham gia phát triển kinh
tế - xã hội đất nước. Nổi bật như: Đường sắt Thống nhất Bắc - Nam; khai hoang
mở rộng đất sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Bộ, Đồng Tháp Mười; trồng rừng ở
Tây Nguyên; quai đê lấn biển đồng bằng Bắc Bộ…
Trong thời kỳ đổi mới, Quân đội đã phát huy vai trò xung
kích, nòng cốt trong tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội
gắn với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn
chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, đảo. Trong đó, trọng tâm là
việc triển khai xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, tạo điều kiện bền vững
cho hàng nghìn hộ dân sinh sống, định cư lâu dài trên vành đai biên giới và địa
bàn xung yếu, hình thành thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn chiến lược,
trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Các doanh nghiệp quân đội đã tích cực đổi
mới, phát triển, chuyển đổi mô hình tổ chức, hoạt động, nâng cao hiệu quả sản
xuất, kinh doanh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước và yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Qua đó, góp phần quan trọng vào
ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tiêu biểu là Tập đoàn Viễn thông quân đội
(Viettel), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn,
Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 15… Trong mọi hoạt động sản xuất
kinh doanh, các doanh nghiệp quân đội luôn gắn chặt hai nhiệm vụ: Quốc phòng
với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Và vì vậy, cùng với việc thực hiện nhiệm
vụ sản xuất quốc phòng, các doanh nghiệp quân đội còn sản xuất ra nhiều sản
phẩm kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế dân sinh, đồng thời góp phần đẩy mạnh
sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến
đấu, bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm đã phát huy tiềm
năng, thế mạnh tại chỗ, đẩy mạnh tăng gia sản xuất và làm một số dịch vụ theo
quy định. Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều tự túc được 90% - 100% nhu cầu rau
xanh, 80% - 90% nhu cầu thịt, cá, trứng; qua đó, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ vững
chắc, trực tiếp cải thiện đời sống bộ đội và tạo thêm nguồn thu bổ sung cho các
hoạt động của đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các cơ sở nghiên cứu,
nhà trường, bệnh viện quân đội,… đã chủ động tận dụng năng lực dôi dư, thực hiện
tốt việc làm kinh tế gắn với nhiệm vụ chuyên môn, tham gia có hiệu quả vào việc
phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo nguồn thu cho đơn vị và ngân sách
và nâng cao tay nghề chuyên môn cho đội
ngũ…
Cho dù đất nước
ngày càng đổi mới, hội nhập, quân đội được quan tâm, đầu tư toàn diện nhưng chức
năng, nhiệm vụ “đội quân sản xuất” của quân đội không mất đi mà luôn có bước
phát triển mới cùng quá trình đổi mới đất nước./.
Bài viết rất hấp dẫn bạn đọc
Trả lờiXóa