Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

CHUYỆN VỀ ANH HÙNG TRẦN VĂN XUÂN


Năm 1971, tình hình trên các chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt. Máy bay địch bắn phá, ném bom thẳng vào đội hình chiến đấu của các đơn vị bộ binh của ta, gây ra nhiều tổn thất.

Vì vậy, yêu cầu Tên lửa Phòng không Việt Nam phải tiêu diệt các loại máy bay tầm thấp như trực thăng, máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu của địch được đặt ra hết sức cấp thiết. Lúc này, Liên Xô có viện trợ cho ta loại tên lửa vác vai 9K32 Strela-2, Mỹ gọi là SA-7, khi về Việt Nam ta đặt tên loại vũ khí này là A72.
Tiểu đoàn tên lửa A72 mang phiên hiệu 172 được ra đời trong hoàn cảnh đó. Tiểu đoàn gồm có 2 Đại đội phần lớn là lính sinh viên các trường đại học Thủy lợi, Bách khoa, Ngoại giao, Sư phạm thuộc Tiểu đoàn 42 của Trung đoàn 263 Tên lửa Phòng không được điều về lập khung đơn vị.
Các xạ thủ được huấn luyện cấp tốc theo chế độ cực kỳ bảo mật. Sau đó, cả Tiểu đoàn vượt Trường Sơn vào chiến trường B2 - miền Đông Nam bộ.
Nói đến chiến công và thành tích chiến đấu của Tiểu đoàn 172 tên lửa A72 - một đơn vị cấp Tiểu đoàn có lẽ vào loại hiếm có của toàn quân ta vì tập thể Tiểu đoàn, cả 2 Đại đội và 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong chiến tranh chống Mỹ. Đồng thời, nhiều người đều biết đến Thượng tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân, một trong những xạ thủ đặc biệt xuất sắc, vốn là sinh viên năm cuối của trường Đại học Thủy Lợi, nhập ngũ ngày 24/8/1970.
Khi vào chiến trường, Trần Văn Xuân là Tiểu đội trưởng kiêm xạ thủ A72. Vào thời điểm ấy, trên thế giới, loại tên lửa vác vai này mới "ra lò" được vài năm nên việc sử dụng nó trên chiến trường cực kỳ mới mẻ.
Là người thông minh, ham hiểu biết và thích tìm hiểu, ngay từ lúc huấn luyện, có những thao tác mà ông Xuân thắc mắc thì chỉ được giáo viên trả lời rằng: "Các chuyên gia Liên Xô hướng dẫn thao tác thế. Không sai đâu. Phải chấp hành!".
"Để rồi khi vào trận - ông Xuân rưng rưng nhớ lại - chúng tôi đã phải trả giá bằng tính mạng! Tôi nhớ trước trận đầu ra quân, cậu Cấy, chiến sĩ trong Tiểu đội cứ xin tôi: "Thế nào anh cũng phải cho em bắn một quả nhé!".
Thế nhưng trong trận ra quân đầu tiên ấy, quả đạn tôi bắn lên không trúng mục tiêu, bị địch bắn lại làm 2 đồng đội hy sinh, trong đó có Cấy. Vậy là cậu ấy không còn kịp thực hiện ước nguyện của mình…".
Cái chết của đồng đội đã ám ảnh Trần Văn Xuân. Vốn là sinh viên giỏi toán, ông hiểu nguyên nhân bắn không hiệu quả là do cách bắn nâng rê trước khi phóng đạn chỉ theo ước lượng của xạ thủ chứ không có tham số mục tiêu cụ thể.
Thế là ông lặng lẽ sử dụng phương pháp lượng giác để làm ra khung điểm đón cho tên lửa A72 trên máy ngắm của súng phòng không 12,7mm.
Đây là phương pháp rất khả thi với tầm quan sát rộng, đón bắt chính xác đường đi và độ cao, độ xa của máy bay. Nhưng mọi việc không đơn giản, sáng kiến của ông bị chỉ huy phản bác, cho rằng "trứng khôn hơn vịt"!
Có một lần do cố tình lắp khung điểm đón vào chiến đấu tại chiến dịch Bù Đông, ông bị Đại đội trưởng cách chức Tiểu đội trưởng, cho xuống làm… "Lê Anh Nuôi"!
Vậy mà ông Xuân vẫn không nản chí. Ông vẫn lặng lẽ mày mò nghiên cứu, hoàn thiện khí tài của mình… Rồi vận may cũng đến khi liên tiếp hai trận đánh, nhân khi Đại đội trưởng đi vắng, ông xin Trung đội trưởng cho lắp khí tài tự chế để bắn máy bay địch.
Kết quả hai trận đánh ấy thật sự gây tiếng vang lớn trong đơn vị khi ông Xuân đã bắn hạ 1 chiếc trực thăng UH-1, 2 chiếc A-37 - trong đó A-37 là loại máy bay có nhiều thủ đoạn đối phó với A72, rất khó đánh.
Khung điểm đón ra đời đã nâng cao hiệu quả tiêu diệt mục tiêu của tên lửa A72. Sự xuất hiện của tên lửa A72 trên chiến trường miền Đông Nam bộ trong thời gian ấy với những trận đánh tiêu diệt máy bay địch đã thực sự gây bất ngờ và trở thành nỗi khiếp đảm của không quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Máy bay của chúng, nhất là trực thăng và A37, rất kinh hoàng khi thấy làn khói xanh bất thình lình từ dưới đất vút lên bắn đuổi, khiến chúng không thể "làm mưa, làm gió" trên chiến trường được nữa.
Thành công tự chế tạo khung điểm đón cho tên lửa A72 bắn máy bay địch của xạ thủ TLPK Việt Nam Trần Văn Xuân từ chiến trường đã bay ra tận Quân chủng PK-KQ ngoài Hà Nội.
Cuối năm 1972, Quân chủng đã cử một cán bộ trợ lý A72 vào chiến trường tiếp nhận cải tiến của Trần Văn Xuân mang ra Bắc, được chuyên gia Liên Xô đánh giá rất cao, chấp nhận và cho cải tiến khí tài ở tàu Hải quân.
Cũng trong những ngày đầu ra trận, xạ thủ Trần Văn Xuân đã nhận thấy lý thuyết được học tập huấn luyện khác xa với điều kiện chiến đấu trên chiến trường.
Ông nhận thấy việc bố trí lực lượng tên lửa A72 cần phải nằm cách tuyến 1 (tuyến đối đầu trực diện với địch) khoảng 1km để có tham số bắn và sử dụng hiệu quả tính năng của tên lửa. Thế nhưng chỉ huy các đơn vị bộ binh thường đưa lực lượng A72 lên tuyến 1.
Anh em A72 phải đào 3 hố công sự (rộng 2,2m và sâu 1,1m) để làm trận địa. Đào xong thì trời đã sáng nên không thể đào hầm trú ẩn, khi trận đánh diễn ra, lực lượng gần như bị phơi lộ rất nguy hiểm.
Mặt khác, khi bắn máy bay, khói từ tên lửa A72 cũng dễ làm lộ trận địa. Để khắc phục hạn chế trên, Trần Văn Xuân đã có sáng kiến:
- Thay đổi tham số từ 2.0 xuống 0 (điều chỉnh lại thời gian bắt và bắn mục tiêu cho phù hợp);
- Không đào hố công sự mà tập trung đào hầm trú ẩn, lợi dụng cây cỏ để nắm bắt hướng gió, sau khi hỏa lực của địch dứt, lực lượng A72 sẽ cơ động xuôi theo chiều gió, lợi dụng các hố bom, đạn pháo làm trận địa. Bắn tiêu diệt máy bay địch xong thì cơ động về hầm trú ẩn.
Vì thế anh em xạ thủ được an toàn. Với khung điểm đón và chiến thuật đánh địch như vậy, cho đến khi kết thúc chiến tranh, xạ thủ Trần Văn Xuân đã bắn rơi 8 máy bay các loại của địch và trở thành một trong những xạ thủ A72 xuất sắc bắn rơi nhiều máy bay địch của Tiểu đoàn 172. Năm 1978, ông Trần Văn Xuân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

3 nhận xét:

hãy thể hiện chính kiến của bạn