Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

QUYẾT TÂM CHẶN DỊCH SỚM, HẠN CHẾ THẤP NHẤT TỬ VONG

Sáng 1/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu để nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong tiếp nhận, điều trị COVID-19. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, kể từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên từ ngày 25/7, có thể nói dịch COVID-19 tại nước ta đang diễn biến khá phức tạp với nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng. “Chúng tôi nhận định đợt dịch lần này phức tạp hơn lần trước, vì vậy khả năng ứng phó của chúng ta phải nhanh hơn, khẩn trương hơn với tinh thần ngăn bằng được, chặn bằng được càng sớm càng tốt”, GS Long đánh giá.
 Dịch chủ yếu xảy ra phần lớn là ở 3 bệnh viện của Đà Nẵng, chủ yếu là Bệnh viện Đà Nẵng. Có một số ca trong cộng đồng, hiện Bộ Y tế đang điều tra nhưng chưa tìm ra mối liên quan với các bệnh viện. “Đà Nẵng trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên tìm F0 rất khó khăn. Khi dịch xảy ra, ngay lập tức Bộ Y tế cử đoàn tinh nhuệ nhất của Bộ từ giám sát, xét nghiệm đến truy tìm dịch tễ từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vào hỗ trợ", Quyền Bộ trưởng nói. Theo người đứng đầu Bộ Y tế, về điều trị, Bộ đã cử các nhóm tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng và các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam hội chẩn trực tuyến để điều trị các ca bệnh nặng. Đến nay đã 6 lần hội chẩn quốc gia, mỗi cuộc hội chẩn kéo dài 4-5 tiếng để tìm ra các biện pháp tối ưu nhất cho các bệnh nhân nặng “40 -50 chuyên gia của BV Bạch Mai vào hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam từ hồi sức tích cực, chạy thận nhân tạo, nhiễm khuẩn vào để hỗ trợ. Có thể nói chúng ta đã huy động lực lượng cả nghìn người để phòng chống dịch trên tinh thần ngăn chặn bằng được, càng sớm càng tốt, giảm thiểu tối đa ca tử vong trong đợt này”, GS Long nói. Hiện nay Tiểu ban Điều trị làm việc đêm ngày để điều trị cho bệnh nhân, chúng ta vẫn tăng cường nhân lực, trí tuệ để điều trị cho các ca bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng. Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, tính đến nay cơ quan chức năng đã có danh sách khoảng 800.000 người đã đến Đà Nẵng từ ngày 1/7. Trong đó có tới 41.000 người từng đến thăm khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Đây là con số rất lớn, nên Bộ Y tế phải tung số lượng lớn để tăng cường. Theo Quyền Bộ trưởng, thời gian tới, diễn biến dịch còn tiếp tục phức tạp, không chỉ dừng ở Đà Nẵng mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác như Quảng Nam. Mặc dù đã giãn cách xã hội, song Quảng Nam thuộc nhóm nguy cơ rất cao, có thể phát hiện thêm các ca mắc mới. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế cũng thuộc nhóm nguy cơ cao và khả năng có ca bệnh nữa là rất lớn. Vì vậy, trong giai đoạn mới, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý, tất cả các cơ sở y tế phải tăng cường phân luồng, phân tuyến, kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Bộ Y tế đã thống nhất với Bảo hiểm xã hội cho thanh toán BHYT đối với các trường hợp xét nghiệm trong cơ sở KCB. “Các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản, điều tra, kiểm soát những người đã đi đến Đà Nẵng để kiểm tra y tế, nhanh chóng cách ly. Những người đến ổ dịch mà Bộ Y tế thông báo phải xét nghiệm. Đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt nhất là đối với các cơ sở y tế. Lực lượng y tế cơ sở thực hiện phương châm "đi từng nhà, gõ từng cửa" không được bỏ sót. Làm càng nhanh thì càng hiệu quả”, GS Long nói. Tới đây Bộ Y tế sẽ thực hiện giao ban định kỳ với các giám đốc sở y tế để tăng tốc hơn nữa đối phó với dịch lần này “Với sự nỗ lực lớn của ngành y tế, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thắng trận đầu, lần này với quyết tâm cao, với đoàn kết, tri thức, lý trí chúng ta tin rằng sẽ chiến thắng dịch COVID-19. Hãy tự tin, đoàn kết, sử dụng tri thức, kinh nghiệm, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua trận chiến này”, Quyền Bộ trưởng tin tưởng nói. Tính đến sáng 1/8, Việt Nam có tổng cộng 558 ca mắc COVID-19. Trong đó chỉ tính riêng từ ngày 25/7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 117 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có tới 93 ca liên quan tới Bệnh viện Đà Nẵng. Tới sáng nay, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh COVID-19 thứ 3 tử vong.

2 nhận xét:

  1. Thời gian này cần có biện pháp khoanh vùng, giãn cách xã hội, cách ly và điều trị thật tốt để khống chế dịch bệnh

    Trả lờiXóa

hãy thể hiện chính kiến của bạn