Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

GÁC LẠI NIỀM RIÊNG ĐỂ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

 

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 vào nước ta, trên tuyến đầu biên giới, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP ngày đêm bám trụ tại các tổ, chốt, thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới. Khi Tổ quốc cần, đã có không ít người lính mang quân hàm xanh gác lại niềm riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tiêu biểu như Đại úy Lê Thừa Văn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị - người đã 3 lần hoãn cưới để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi tốt nghiệp ra trường vào năm 2016, đồng chí Văn về nhận công tác tại Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo. Trong một lần xuống địa bàn vào cuối năm 2016, anh may mắn quen biết với vợ chưa cưới của là Nguyễn Thị Thu Thùy (hiện là dược sĩ tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Sau 4 năm yêu nhau, hai người dự định tổ chức đám cưới vào ngày 20-3-2020. Khi đó, tất cả mọi công việc chuẩn bị cho đám cưới gần như hoàn tất, từ chụp ảnh cưới, báo cáo cơ quan, đoàn thể, thiệp mời cũng được gửi đến họ hàng và bạn bè của hai bên. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 và hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp, đồng chí Văn được đơn vị phân công tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại các tổ, chốt phòng, chống dịch trên địa bàn biên giới do đơn vị quản lý. Đồng thời, được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương khuyến cáo không tụ tập đông người để phòng, chống dịch bệnh, anh đã chủ động bàn với Thùy và gia đình hai bên về việc hoãn cưới. Được người yêu và hai bên gia đình hiểu và thông cảm và ủng hộ.

Sau hơn 5 tháng thực hiện nhiệm vụ, khi mà làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Việt Nam tạm thời lắng xuống, quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, Đại úy Lê Thừa Văn mới bàn với vợ chưa cưới và gia đình hai bên chọn ngày để tổ chức đám cưới, dự kiến vào tháng 9-2020. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, phân tích tình hình, Đại úy Lê Thừa Văn nhận thấy, thời gian đó vẫn chưa thích hợp để tổ chức đám cưới. Ngoài ra, anh còn xác định, mình là cán bộ Biên phòng làm công tác dân vận, nếu không gương mẫu thì làm sao tuyên truyền cho nhân dân nghe và làm theo trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Vậy nên, anh lại quyết định thêm một lần nữa hoãn ngày vui của mình để cùng đồng đội bám trụ trên biên giới.

Kết thúc năm 2020, Đại úy Lê Thừa Văn và chị Nguyễn Thị Thu Thùy thống nhất sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 3-2021. Kế hoạch là vậy, nhưng rồi làn sóng dịch Covid-19 thứ ba tại Việt Nam bắt đầu bùng phát đã làm thay đổi dự tính của cặp đôi uyên ương. Các đơn vị Biên phòng tiếp tục phải duy trì 100% quân số tại đơn vị để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, đồng nghĩa với việc đám cưới của cặp đôi này lại thêm một lần trì hoãn.

Theo Đại úy Lê Thừa Văn, mặc dù chỉ cách nhau gần 5km, nhưng trong nhiều tháng qua, anh và vợ chưa cưới hiếm có dịp được gặp nhau. Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi sau khi thực hiện nhiệm vụ, anh và vợ chưa cưới đều cố gắng dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ, động viên nhau qua điện thoại để cùng vượt qua những khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu Thùy chia sẻ: “Lần thứ ba phải tạm hoãn sự kiện quan trọng nhất trong đời, tôi cũng có chút buồn. Nhưng tôi xác định đã là vợ của người lính thì phải trở thành hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác. Gác lại nỗi niềm riêng, tôi luôn động viên anh Văn yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù không được ở gần nhau, nhưng qua những cuộc gọi video, được nhìn thấy người mà mình yêu thương, tôi cũng vơi đi một phần nỗi nhớ. Khi nào hết dịch Covid-19, chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới”.

Tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, từ tháng 2-2020 đến nay, Đại úy Lê Thừa Văn và đồng đội ngày đêm tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới, trực tiếp phát hiện, ngăn chặn kịp thời 105 công dân nhập cảnh trái phép qua biên giới vào Việt Nam. Bên cạnh đó, anh cũng trực tiếp đến từng bản, từng gia đình để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; vận động nhân dân không tiếp tay cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.

 


1 nhận xét:

  1. Trong trận chiến chống dịch thì rất nhiều người đã phải gác bỏ chuyện riêng từ để chống dịch

    Trả lờiXóa

hãy thể hiện chính kiến của bạn