Ngày 25-6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung
ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác
PCTN. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN chủ trì hội
nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch
nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về
PCTN; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chánh Văn phòng,
Trưởng ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy...
Các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực
Ban Bí thư, Phó trưởng BCĐ Trung ương về PCTN; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ
Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng BCĐ Trung ương về PCTN; Uông Chu
Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng BCĐ Trung ương
về PCTN; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung
ương, Phó trưởng BCĐ Trung ương về PCTN cùng điều hành hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tầm
quan trọng đặc biệt của hội nghị lần này; xem đây là dịp đánh giá kết quả, đúc
rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác
PCTN kể từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay; đồng thời xác định chủ trương, giải
pháp lớn định hướng mặt công tác đặc biệt quan trọng này trong thời gian tới.
Tổng Bí thư cũng xem đây là một bước sơ kết 5 năm thực hiện chủ trương, giải
pháp được Hội nghị toàn quốc về PCTN (tháng 5-2014) xác định; được Đại hội XII
của Đảng nâng lên thành những quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn về
PCTN.
Với ý nghĩa đó, Tổng Bí thư hoan nghênh sự có mặt đông đủ các
đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, hơn 100 đồng chí Ủy viên
Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, Bí thư các
tỉnh ủy, thành ủy... Tổng Bí thư yêu cầu và tin tưởng các đại biểu sẽ làm việc
với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm góp phần vào thành công của hội nghị.
Thành công theo nghĩa thực chất, tạo ra dấu mốc quan trọng để công tác PCTN
chuyển biến về chất trong thời gian tới; tiếp tục giữ vững niềm tin từ dư luận
và toàn xã hội về vai trò của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo cuộc chiến phòng,
chống “giặc nội xâm”.
PCTN có bước tiến mạnh, đạt kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt
Đồng chí Phan Đình Trạc trình bày báo cáo trung tâm, nêu rõ: Sau
hơn 4 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư và nửa nhiệm kỳ thực hiện
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và
Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, vừa khẩn trương, tích
cực, vừa bài bản, chặt chẽ của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư, Quốc hội, Chính phủ, BCĐ Trung ương về PCTN. Đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ
đạo trực tiếp, toàn diện, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ; sự nỗ
lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN và
các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; sự tham gia tích cực
của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân, công
tác PCTN đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện,
tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, “có chiều hướng
thuyên giảm”, củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ,
đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan
trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2014 đến nay,
công tác PCTN được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu
ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như Tổng Bí thư, khẳng định
“Công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”, được nhân
dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Theo đánh giá
của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam
tăng liên tiếp 2 năm sau nhiều năm giữ nguyên: Năm 2016 tăng 2 điểm so với năm
2015 (từ 31 điểm lên 33 điểm); năm 2017 tăng 2 điểm so với năm 2016 (từ 33 điểm
lên 35 điểm). Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo Kết
luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2014 và Nghị quyết Đại hội XII
của Đảng đã và đang được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện tích
cực, đồng bộ, hiệu quả: Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được
ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và
PCTN, vừa để phòng ngừa, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát
hiện, xử lý sai phạm; Đã gắn chặt công tác PCTN với công tác cán bộ, xử lý
nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự;
siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, kỷ luật nghiêm minh
nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng vi phạm, cả đương chức và nghỉ hưu, cả
cán bộ cao cấp, cả trong lĩnh vực công tác mà lâu nay được cho là “nhạy cảm”;
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội
quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật,
không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; Trung ương và cơ
quan chức năng đã chủ động công khai, cung cấp thông tin, định hướng dư luận
trong hoạt động PCTN, phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông,
báo chí trong PCTN... Cùng với đó, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử,
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và người
dân trong PCTN ngày càng được phát huy tốt hơn. Hợp tác quốc tế về PCTN được mở
rộng, bước đầu mở rộng PCTN ra ngoài khu vực Nhà nước.
Những kết quả đạt được về công tác PCTN trong thời gian qua có
tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần
làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói
chung, cùng với những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần tăng
cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới,
khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII
của Đảng.
Kết quả kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đạt dấu ấn quan
trọng
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về tăng cường kiểm
tra, kỷ luật trong Đảng là “trị bệnh cứu người”, “kỷ luật một vài người để cứu
muôn người”, cấp ủy và UBKT các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt, có trọng
tâm, trọng điểm trong kiểm tra, giám sát (KTGS); lựa chọn đối tượng, lĩnh vực,
địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh vi phạm, trọng tâm là kiểm tra tổ chức
đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; quyết định hoặc đề nghị thi hành kỷ
luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhiều tổ chức đảng, đảng viên sai phạm.
Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức
đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về
tham nhũng, cố ý làm trái (riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay cấp ủy, UBKT các cấp đã
thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có
gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái). Nhất là
UBKT Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết
định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi
hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà
nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu. Từ đầu nhiệm kỳ
đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9
đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1
đồng chí Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Đồng thời, các cơ
quan nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của đảng đối với cán bộ, công
chức sai phạm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo
pháp luật của Nhà nước. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật
của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu
cực, tham nhũng. Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn diện một số dự án gây
thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; Kiểm toán Nhà nước
tập trung kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, các dự
án BT, BOT, dự án sử dụng vốn ODA,... Từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm
toán đã kiến nghị thu hồi trên 260 ngàn tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý
hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng; trong đó từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến
nghị thu hồi trên 165 ngàn tỷ đồng và 12 ngàn ha đất; chuyển cơ quan điều tra
xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế.
BCĐ đã thành lập 31 Đoàn KTGS việc thanh tra vụ việc; khởi tố,
điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp,
dư luận xã hội quan tâm tại 63 địa phương và 4 Đảng ủy, Ban cán sự đảng trực
thuộc Trung ương. Qua KTGS, kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham
nhũng, kinh tế.
Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
BCĐ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét
xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng,
phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích
cực thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo: Không có vùng
cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai
Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương
đã nỗ lực, cố gắng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong điều tra, xử
lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; một số địa phương đã chỉ đạo khởi
tố, điều tra, xử lý nghiêm minh cán bộ thuộc quyền quản lý có sai phạm liên
quan đến tham nhũng, kinh tế. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi,
chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ
án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo; 20 án chung thân cho 19 bị cáo;
7 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm; 393 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới
30 năm; cải tạo không giam giữ 7 bị cáo; cảnh cáo 2 bị cáo. Trong đó, nhiều vụ
án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố,
xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá
cao. Điển hình là các vụ án: Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Dương Chí Dũng, Huỳnh
Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh
Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, vụ án
đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phươn...
Các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện
pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội ngay từ
giai đoạn điều tra; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp
tài sản tham nhũng. Việc kê biên và thu giữ tài sản trong một số vụ án tham
nhũng, kinh tế đạt khá cao...
Quyết tâm, quyết liệt và kiên trì hơn nữa trong PCTN
Các ý kiến tham luận thống nhất xác định: Thời gian tới cần tiếp
tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp về PCTN. Khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về PCTN; làm cho mọi
người thấy rõ việc đẩy mạnh PCTN, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết xử lý
nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm hạn chế sức sáng tạo,
dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết, vì sự nghiệp
đổi mới của Đảng, với động cơ trong sáng, lành mạnh; không “làm chậm” sự phát
triển, mà ngược lại làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ
cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân; tạo động lực mới, khí thế
mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới
đất nước.
Tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông
tin, định hướng tuyên truyền về PCTN, nhất là chủ động thông tin về kết quả
kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; về khởi tố, điều tra,
truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; về những vấn đề nhạy cảm, dư
luận xã hội quan tâm trong xử lý tham nhũng. Bảo vệ, khen thưởng, động viên
những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời
tích cực đấu tranh các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng PCTN để chống phá Đảng,
Nhà nước của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật,
vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.
Phát huy kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm được đúc
rút, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành, đoàn thể, địa
phương, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ hơn với quyết tâm cao hơn, thực hiện nghiêm túc,
có hiệu quả mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp PCTN theo Nghị quyết
Trung ương 3, khóa X, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 Hội nghị Trung ương
5, khóa XI, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kết luận số 10-KL/TW ngày
26-12-2016 của Bộ Chính trị, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong
công tác PCTN, củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân
đối với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cũng cần cảnh giác với những âm mưu của các
thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng việc đấu tranh PCTN để chia rẽ nội
bộ, bôi nhọ, phá hoại Đảng, Nhà nước và chế độ.
Để làm được đều đó, trên cơ sở 6 bài học kinh nghiệm được đúc
rút, hội nghị thống nhất chỉ rõ: Các cấp ủy, tổ chức đảng phải xác
định PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách để tập trung lãnh
đạo, chỉ đạo; gắn công tác PCTN với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng. Bí thư
cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nêu cao
trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công
tác PCTN. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện
nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN; đảng viên phải gương mẫu hơn
quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng cao càng phải
gương mẫu.
Kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết
kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã
hội. Trước hết là phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc
các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN, lãng phí; chủ động xử
lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo
đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh với tham nhũng, lãng phí;
trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng
phí.
Trên cơ sở phân tích sâu sắc đặc điểm, tình hình thực tiễn, các
đại biểu thống nhất 8 nhiệm vụ, giải pháp lớn, quan trọng; xác định 6 nhiệm vụ
trước mắt cần tập trung thời gian tới.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước
Hội nghị nhận định: Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN thì công
tác KTGS của Đảng phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công
khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó giám sát diện rộng, kiểm tra có
trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống dưới,
giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, tăng
cường quản lý, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo. Sự
tín nhiệm không thể thay thế cho giám sát, tín nhiệm là tiền đề, giám sát là
đảm bảo để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Rà soát, hoàn thiện quy định của Đảng và Nhà nước về xử lý kỷ
luật, về những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm, bảo
đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà
nước. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải có hình thức xử lý
kịp thời, nghiêm minh, công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới. Tăng cường
giáo dục kỷ luật, tăng cường chấp hành kỷ luật, dùng kỷ luật nghiêm minh và
giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết kinh sợ, nhớ điều cấm, giữ giới
hạn, quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát và ràng buộc. Đặt
kỷ luật của Đảng lên trước pháp luật, nghiêm hơn pháp luật; kỷ luật đảng không
thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp
luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì
phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử phạt người trước răn đe người
sau, xử phạt số nhỏ để giáo dục số đông, truy tố một vụ cảnh tỉnh cả vùng. Phải
quán triệt và thực hiện phương châm: phòng ngừa, giải quyết sớm, "chữa cây
bệnh, bỏ cây hỏng" trong kỷ luật của Đảng.
Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tăng
cường quản lý, KTGS cán bộ, đảng viên, công chức để kịp thời phát hiện, giải
quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm. Tăng thẩm quyền và trách nhiệm người
đứng đầu trong việc xác minh, kết luận, xử lý cán bộ dưới quyền khi có dấu hiệu
vi phạm; quy định và thực hiện nghiêm việc xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý có
biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; hoàn thiện chế tài xử lý người đứng đầu
khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý.
Cùng với đó, cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, bổ sung,
khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ, đảm bảo công
khai, dân chủ, khả thi, ngăn ngừa tham nhũng có hiệu quả. Thường xuyên KTGS
công tác cán bộ để ngăn ngừa và xử lý vi phạm trong công tác cán bộ. Tập trung
KTGS những người đang có biểu hiện tham nhũng; những người có nhiều dư luận
quần chúng phản ánh, tố cáo về tham nhũng; những người giữ chức vụ lãnh đạo,
quản lý và được quy hoạch giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy hệ
thống chính trị các cấp; hình thành kho lưu trữ tư liệu về liêm chính của các
cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về chuyển đổi vị trí
công tác, tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức của cán
bộ, công chức, viên chức.
Đẩy mạnh cải cách hành chính; kiên quyết thực hiện có hiệu quả
việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với cải cách chế độ công vụ,
cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền
lương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất,
liêm khiết, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết
Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu thống nhất quyết tâm: Khi đã xảy
ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định
của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền,
không có ngoại lệ, phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không
chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Quá trình phát
hiện, điều tra, xử lý tham nhũng phải đảm bảo nguyên tắc: Có vụ việc phải được
xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, tài liệu rõ đến đâu xử lý đến đó;
không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm thì
phải khởi tố điều tra và đã kết luận rõ người có hành vi phạm tội thì phải truy
tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì
phải xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xử
lý nghiêm cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can
thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng.
Tuy nhiên, phải xem xét, đánh giá thật khách quan, biện chứng,
cân nhắc kỹ bối cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế và sự phù hợp của pháp
luật với thực tiễn cuộc sống tại thời điểm xảy ra sai phạm, động cơ, mục đích
sai phạm để phân biệt hành vi của những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách
nhiệm với động cơ trong sáng vì sự nghiệp đổi mới đất nước với hành vi của
những người có động cơ, mục đích không trong sáng để xử lý cho phù hợp, động
viên, khuyến khích, bảo vệ những người dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp
chung; bởi đất nước đang trong quá trình đổi mới, nhiều quy định của pháp luật
chưa có hoặc không theo kịp với tình hình thực tế nhưng yêu cầu cuộc sống đòi
hỏi phải giải quyết, do đó, trong một số trường hợp buộc phải vận dụng những
quy định hiện hành để giải quyết.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định,
định giá tài sản đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế. Chú trọng truy tìm, kịp
thời áp dụng các biện pháp để thu giữ, xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá
trình thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Theo kế hoạch, chiều nay (25-6), hội nghị tiếp tục thảo luận.
Cuối giờ làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu kết luận hội nghị.
Công tác chống tham nhũng cần triển khai quyết liệt hơn nữa
Trả lờiXóachống tham nhũng phải triệt để
Trả lờiXóa