Không có
“quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị”
Luận điểm cho rằng “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị” không phải là mới. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, lấy cớ góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vấn đề này lại được xới lên. Đằng sau nó là gì, cũng là điểm cần phải làm rõ.
Những người say sưa với quan điểm “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị”…, cho rằng “quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái hay một thể chế chính trị nào”. Thực chất của quan điểm này là gì? Có hay không “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị”? Những người tỉnh táo có thể dễ dàng nhận ra: quan điểm này về thực chất chỉ là sự diễn đạt khác đi của quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội – một thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch hòng chống phá cách mạng nước ta. Đây là một luận điệu phản khoa học nhằm tách Quân đội nhân dân Việt Nam khỏi sự lãnh đạo của Đảng, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, làm Quân đội mất định hướng chính trị, suy yếu sức chiến đấu, không còn là công cụ sắc bén bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Tổ quốc.
Điều trước tiên cần khẳng định về mặt lý luận rằng: quân đội là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, luôn gắn với giai cấp, gắn với chính trị. Ngay từ khi xuất hiện, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của giai cấp đó. Trong xã hội có giai cấp, quân đội chưa bao giờ và không bao giờ đứng ngoài đời sống chính trị của xã hội. V.I. Lê-nin đã chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị – đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”[1]. Xét đến cùng, bản chất chính trị – xã hội của quân đội được quyết định bởi quân đội đó do giai cấp nào tổ chức ra, nằm trong tay ai và phục vụ trước hết cho lợi ích của giai cấp nào trong xã hội. Quân đội do giai cấp áp bức, bóc lột tổ chức bao giờ cũng hướng đến mục tiêu bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, trên cơ sở chà đạp lên quyền lợi của nhân dân lao động. Ngược lại, quân đội do giai cấp công nhân và nhân dân lao động tổ chức ra luôn vì lợi ích của nhân dân. Đặt trong mối quan hệ với nhà nước, quân đội là một bộ phận cấu thành và là lực lượng đặc biệt quan trọng của nhà nước, luôn tham gia vào mọi hoạt động chính trị của nhà nước.
Lịch sử chiến tranh và quân đội đã chứng minh rất rõ vấn đề này. Những quân đội đầu tiên xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp, La Mã cổ đại… đã luôn đóng vai trò là công cụ bạo lực hữu hiệu giúp giai cấp chủ nô hiện thực hóa mọi mục đích chính trị, như: bảo vệ nhà nước chiếm hữu nô lệ, trấn áp phong trào đấu tranh của nô lệ, tiến hành chiến tranh xâm lược mở rộng phạm vi lãnh thổ… Trải qua thời kỳ trung đại, cận đại và hiện đại ngày nay, vấn đề này vẫn là một quy luật không hề thay đổi: không có quốc gia nào không do một giai cấp tổ chức ra, không do một đảng phái chính trị lãnh đạo; không có quân đội nào không gắn với chính đảng cầm quyền. Chính đảng lãnh đạo quân đội là biểu hiện tập trung cao nhất, đại diện cho lợi ích giai cấp cầm quyền – cũng là lực lượng chính trị đã tổ chức ra quân đội. Dù có thừa nhận hay không, quân đội vẫn chịu sự chi phối bởi quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp đã tổ chức ra nó. Tùy theo tính chất phản động, hay tiến bộ, cách mạng của giai cấp ấy mà quân đội sẽ thể hiện bản chất của mình.
Cần phải nói thêm rằng, quan điểm “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị” là một luận điệu lừa bịp, mị dân, thường được đề cập nhiều ở các nước theo thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập, khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái diễn ra gay gắt, quyết liệt. Dù tìm mọi cách che đậy, nhưng rõ ràng dưới hình thức này hay hình thức khác, quân đội ở các nước đó vẫn thường xuyên can dự vào đời sống chính trị của đất nước. Ở Thái Lan, với 18 lần đảo chính quân sự tính từ khi thiết lập chế độ quân chủ lập hiến (năm 1932) đến nay, quân đội Hoàng gia có vai trò rất quan trọng trong nền chính trị của nước này. Ngay tại Mỹ, quân đội cũng luôn là nhân tố có ảnh hưởng lớn trong những động thái chính trị của giới cầm quyền. Gần đây nhất, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012, tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân đã bị những người thuộc Đảng Cộng hòa cho là thiên vị Đảng Dân chủ; trong khi trước đó không lâu, chính vị tướng này đã chỉ trích các cựu sĩ quan Mỹ vì tiến hành một chiến dịch chống lại Tổng thống Barack Obama.
Lịch sử cách mạng thế giới đã cho chúng ta những bài học sâu sắc về vấn đề này. Phủ nhận tính giai cấp của quân đội, đồng tình với quan điểm “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị”, bất luận như thế nào cũng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng về chiến lược cách mạng. Bài học về sự tan rã và sụp đổ của Liên bang Xô-viết đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, Quân đội Liên Xô – một thời lẫy lừng, đánh bại cả hàng chục triệu quân phát-xít; từng là trụ cột vững chắc của Chính quyền Xô-viết và phong trào cách mạng tiến bộ thế giới – đã bị các thế lực phản cách mạng lợi dụng một cách triệt để sau khi tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Với việc xoá bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, chính những nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó đã tự làm vô hiệu hoá Quân đội của họ. Lịch sử đã ghi nhận, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian 1987-1989, gần 50% cán bộ cơ quan chiến lược của Quân đội và khoảng 30% tướng lĩnh Liên Xô đã bị cho ra quân; trên 100 cán bộ lãnh đạo chính trị cấp chiến dịch – chiến lược bị cách chức. Ngày 23-8-1991, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và buộc mọi quân nhân là đảng viên cộng sản phải trả thẻ đảng. Ngày 29-8-1991, M. Goóc-ba-chốp ra lệnh giải tán các cơ quan chính trị và sau đó là chấm dứt mọi hoạt động của Đảng trong Quân đội Liên Xô. Đó là nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự tan rã và sụp đổ của Liên bang Xô-viết vào cuối năm 1991. Mặc dù lúc đó, Quân đội Liên Xô có tới 3,9 triệu quân thường trực, được trang bị rất hiện đại, nhưng do bị “biến chất” về chính trị nên mất sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Tổ quốc XHCN.
Đối với nước ta, thực tiễn lịch sử gần 70 năm xây dựng, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định một vấn đề mang tính quy luật: sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cơ bản, quyết định sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sáng lập, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng kiểu mới, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Tuy cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội có những điều chỉnh, thay đổi nhất định gắn với điều kiện lịch sử cụ thể, song, nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội luôn được nhất quán thực hiện. Nhờ đó, Quân đội đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, trở thành đội quân “bách chiến, bách thắng”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta đã cùng cả dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, mang đến cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Rõ ràng, cả lịch sử thế giới và lịch sử cách mạng Việt Nam đều bác bỏ quan điểm cho rằng “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị”. Vậy sao có ai đó vẫn ra sức vận động, cổ xúy cho vấn đề này? Thiết nghĩ, nếu không phải là sự ấu trĩ về tư duy lý luận, thì việc làm này chỉ có thể do một nguyên nhân, đó là động cơ chính trị thiếu trong sáng. Cho dù đã khéo léo che đậy dưới danh nghĩa “ý kiến đóng góp”, “ý kiến dân chủ”…, song những cá nhân đưa ra quan điểm “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị” vẫn không thể bao biện ý đồ muốn tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, làm cho Quân đội mất phương hướng chính trị, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; thờ ơ, đứng ngoài các biến cố chính trị của đất nước, dễ bề cho các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lật đổ chế độ XHCN. Đòi “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị” và đòi xóa bỏ Điều 4 trong “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” cũng như kêu gọi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, suy cho cùng chỉ là hành động “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vô cùng hiểm độc, hòng đẩy đất nước lâm vào tình trạng mất ổn định chính trị và chệch hướng con đường đi lên CNXH của dân tộc ta.
Hiến pháp là “đạo luật gốc” có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống chế định pháp luật của mọi quốc gia. Vì vậy, khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng ta cần hết sức tỉnh táo. Những luận điệu như kiểu “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị” là không thể chấp nhận được./.
Đại tá, TS Nguyễn Chính Lý
Trường Đại học Chính trị
Trường Đại học Chính trị
Quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mới có thể hoàn thành nhiệm vụ
Trả lờiXóa