Buổi tọa đàm nhằm khẳng định làm rõ hơn những vấn đề về xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc được nêu trong các điều từ Điều 69 đến Điều 73 (Chương IV) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là Điều 70.
Hiến định sự lãnh đạo của Đảng với quân đội thể hiện tính nguyên tắc, khách quan
Trong hai giờ trao đổi thẳng thắn và trách nhiệm, các đại biểu tập trung làm rõ 3 vấn đề: Bản chất giai cấp của quân đội, từ đó khẳng định không thể có quân đội phi chính trị, phi giai cấp, quân đội “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”; làm rõ mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ chiến đấu của QĐND Việt Nam; những vấn đề mà Đảng, Nhà nước và QĐND Việt Nam cần làm để xây dựng QĐND Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
PGS. TS, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng đã đưa ra những dẫn chứng về lý luận và thực tiễn đầy thuyết phục về tổ chức và hoạt động của quân đội trong lịch sử nhân loại. Quân đội bao giờ cũng do một giai cấp, một tổ chức đảng phái đứng ra tổ chức và bao giờ cũng phục vụ, bảo vệ giai cấp, tổ chức đó. Đặc biệt là thực tiễn gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam đã chứng minh, khẳng định một vấn đề có tính quy luật, đó là: Phải luôn coi trọng hàng đầu việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu toàn diện, nhất là phát huy cao độ sức mạnh chính trị-tinh thần là đặc trưng bản chất và là ưu thế vượt trội trong sức mạnh của quân đội ta – một quân đội kiểu mới trong lịch sử nhân loại, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
PGS. TS, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình phân tích bản chất chính trị của quân đội ta thể hiện tập trung rõ nét ở lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân; ở các quan hệ chính trị-xã hội sâu rộng, cốt lõi là sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước XHCN và gắn bó máu thịt với nhân dân. Trong đó cơ chế lãnh đạo, chỉ huy thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội vừa là thuộc tính bản chất, vừa là điều kiện chủ yếu quyết định sự vững mạnh về mặt chính trị của quân đội, bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị – lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của Tổ quốc XHCN và nhân dân.
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, xây dựng quân đội mạnh về chính trị là nguyên tắc hàng đầu trong xây dựng QĐND Việt Nam. “Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và phải trả giá đắt nếu xa rời nguyên tắc đó”, PGS. TS, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình nhấn mạnh.
Bài học từ sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Xô Viết, sự mất ổn định và lâm vào khủng hoảng của một số nước cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những biến động chính trị – xã hội ở khu vực Bắc Phi – Trung Đông từ năm 2010 đến nay… là những bài học sâu sắc về vấn đề này. Với những dẫn chứng hiển hiện đó, PGS. TS, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình khẳng định cần hiến định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với LLVT nói chung và QĐND Việt Nam nói riêng.
PGS. TS, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình (ngồi giữa), nguyên Chính ủy
Học viện Quốc phòng phân tích bản chất chính trị của quân đội ta
Học viện Quốc phòng phân tích bản chất chính trị của quân đội ta
Phản bác lại ý kiến cho rằng QĐND Việt Nam phải “trung lập”, quân đội không bảo vệ Đảng mà chỉ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, GS Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ, Chuyên viên Viện Chiến lược Quốc phòng cảnh báo: Nếu một tổ chức chính trị nào vận động được quân đội chống lại đảng cầm quyền thì coi như sẽ giành được chính quyền, bởi tổ chức đó đã tước được vũ khí của đảng cầm quyền. Bởi vậy, nhân dân cần hết sức cảnh giác việc các thế lực thù địch đang lợi dụng việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp một cách dân chủ để làm một cuộc đảo chính “mềm” thông qua Hiến pháp.
Thực tế cho thấy LLVT của một nhà nước, một dân tộc là công cụ bạo lực sắc bén nhất, khi cần thì phải đổ máu; trong từng giai đoạn lịch sử đều được tổ chức theo một chế độ chính trị, kinh tế, xã hội nhất định. Bất kể thời nào, từ thời tiền sử đến nay đều có LLVT để bảo vệ, giữ những lợi ích của chủ thể đã tổ chức ra LLVT đó, GS Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ khẳng định.
Với những phân tích chặt chẽ, nêu những ví dụ cụ thể, sinh động, vị tướng – nhà nghiên cứu này khẳng khái: “Nói quân đội đứng ngoài chính trị là mơ hồ. Không có quy luật nào chứng minh cứ nhiều đảng là đất nước phát triển tốt hơn. Việc nhiều hay ít phụ thuộc vào tiến trình lịch sử của đất nước ấy. QĐND Việt Nam ra đời từ năm 1944, trước khi có nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa gần 1 năm, trước khi có Hiến pháp năm 1946 trọn 2 năm. Thời điểm đó khái niệm Tổ quốc còn chung chung, nhà nước chưa có, bởi vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, theo chỉ thị của đoàn thể tổ chức ra Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đoàn thể ở đây là Đảng”.
GS Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ nhấn mạnh: Nhân dân là đối tượng phục vụ của QĐND Việt Nam; QĐND Việt Nam lại mang bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam, do vậy QĐND Việt Nam tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và với Đảng lãnh đạo là bản chất của quân đội ta. Nói phi chính trị hóa là tự hạ thấp mình. Một quân đội với những người lính mà bảo bắn đâu thì bắn, không biết phi nghĩa, chính nghĩa thì chỉ là rô-bốt…
Vấn đề này, theo quan điểm của PGS.TS, Trung tướng Nguyễn Ngọc Hồi, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Hiến pháp năm 1992 chưa có điều bổ sung như Điều 70, bởi vậy sẽ có ý kiến đặt ra phải chăng thời gian từ đó tới nay, quân đội và nhân dân không trung thành với Đảng, không bảo vệ Đảng, không là đại diện cho lợi ích của Đảng. Do đó, chúng ta cần khẳng định những bổ sung vào Điều 70 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là sự Hiến định một lịch sử thực tế khách quan của 69 năm xây dựng và trưởng thành của QĐND Việt Nam rằng quân đội ta luôn nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn trung thành và bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân.
Điểm mới của Điều 70 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với yêu cầu xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động của quân đội ta, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch đẩy mạnh việc chống phá bằng các chiến lược diễn biến hòa bình. Mặt khác điều ấy cũng thể hiện tư duy tiến bộ trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, Trung tướng Nguyễn Ngọc Hồi khẳng định.
Các ý kiến khẳng định xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là yêu cầu, nguyên tắc trong xây dựng quân đội kiểu mới
Lý tưởng chiến đấu của quân đội gắn liền với lý tưởng của Đảng
Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo QĐND, đồng tình cao với các ý kiến khẳng định bản chất chính trị, truyền thống của QĐND Việt Nam và nhất là xác định mục tiêu chính trị của QĐND Việt Nam trong thực tiễn lịch sử, cũng như trong quy định của Hiến pháp. Thực tiễn của Việt Nam cho thấy, trong chiến đấu, quân đội thực hiện xuất sắc vai trò nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của quần chúng, chiến đấu ngoan cường bảo vệ Tổ quốc và nhân dân. Trong lao động sản xuất, quân đội ta tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng-an ninh; xung kích đến những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn để xây dựng những khu kinh tế-quốc phòng, lấy mục đích nâng cao đời sống nhân dân làm mục đích chủ đạo. Trong thực hiện chức năng quân đội công tác, quân đội ta luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân, tích cực giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo; xả thân trong hiểm nguy để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân.
Những biểu hiện thực tế, khách quan đó thể hiện rõ nét sự thống nhất hữu cơ tính đảng, tính giai cấp và tính dân tộc, được biểu hiện sinh động ở lý tưởng chiến đấu, cơ sở chính trị-xã hội, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội, PGS. TS, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình nhấn mạnh.
TS Cao Đức Thái phân tích thêm về chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước đây. Hiện nay, trong bối cảnh của nền chính trị hiện đại, có nhiều loại hình đấu tranh và cạnh tranh chính trị, bên cạnh những cuộc chiến tranh chớp nhoáng bằng nhiều phương tiện vũ khí hiện đại, cuộc đấu tranh “mềm” để giành giật những lợi ích kinh tế, còn có cả chiến tranh trên lĩnh vực thông tin. Bởi vậy, nhân tố chính trị hết sức quan trọng và hơn lúc nào hết quân đội rất cần phải có một bộ tham mưu có đủ bản lĩnh về chính trị, có kinh nghiệm lịch sử, trung thành với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân để mà điều hành các lực lượng vũ trang chứ không chỉ đơn giản là cầm quân trên một mặt trận. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng với tư cách là một Bộ tham mưu là hết sức cần thiết.
“Quân đội trung thành với Đảng” ghi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không phải là “hạ thấp quân đội” như một số quan điểm nêu ra, mà là để tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của quân đội đối với chế độ, đối với dân tộc, đối với đất nước, TS Cao Đức Thái khẳng định.
PGS.TS, Trung tướng Nguyễn Ngọc Hồi khẳng định mục tiêu chiến đấu của Đảng luôn là mục tiêu chiến đấu của quân đội vì độc lập dân tộc, vì CNXH và vì hạnh phúc của nhân dân. Quân đội ta thành lập cũng vì các mục tiêu này. Do vậy, công tác tư tưởng trong quân đội từ khi thành lập đều vì mục đích truyền bá tư tưởng của Đảng, làm cho các quân nhân giác ngộ lập trường giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân; giác ngộ mục tiêu chiến đấu là vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; giác ngộ tư tưởng của Đảng về mục tiêu chiến đấu vì nhân dân. Toàn bộ các hoạt động tư tưởng trong quân đội đều xoay quanh hệ tư tưởng Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự khác biệt của quân đội ta so với quân đội các nước khác là bên cạnh hệ thống chỉ huy còn thiết lập hệ thống tổ chức Đảng từ Quân ủy Trung ương tới các cơ sở đảng.
Lập luận trước ý kiến đề cập cần bổ sung cụm từ “từ bỏ chiến tranh xâm lược” vào Điều 70, PGS. TS, Trung tướng Trần Thái Bình, nguyên Viện trưởng Chiến lược Quốc phòng cho rằng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam không tiến hành chiến tranh xâm lược thì không cần thiết phải đề cập vấn đề này trong Hiến pháp.
“Chúng ta không thể từ bỏ cái mà chúng ta không có!”, PGS. TS, Trung tướng TrầnThái Bình nhấn mạnh. Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên hóm hỉnh lập luận bổ sung: “Không nên khuyên một người không bao giờ uống rượu hãy… bỏ rượu!”.
Trách nhiệm cao cả của quân đội trong thời kỳ mới
PGS. TS, Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học, Xã hội và Nhân văn Quân sự cho rằng cần Hiến định QĐND Việt Nam là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc, nhân dân và chế độ, được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Quân đội là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Vấn đề cốt lõi trong xây dựng quân đội cách mạng là tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc quân đội hay nói rộng hơn là xây dựng quân đội về chính trị. Đó là mục tiêu lý tưởng chiến đấu, hệ tư tưởng Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chủ đạo trong đời sống tinh thần quân đội. Để làm được điều này, cần tiếp tục kiên trì các nguyên tắc và lý luận chính trị đã có từ khi quân đội ta ra đời; tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước trong việc xây dựng và tổ chức quân đội. Đây là nhiệm vụ chung của toàn đảng, toàn dân và các bộ, ban ngành…
TS Cao Đức Thái chỉ ra: Trong bối cảnh xã hội đang có nhiều vấn đề bức xúc, thì sự trung thành với Đảng vẫn là trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, không phải là đi sang một con đường khác.
TS Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Thắng chỉ ra rằng xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị trong giai đoạn mới là nhằm nâng cao chất lượng chính trị của quân đội lên một bước mới, bảo đảm cho quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân, với chế độ XHCN. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong giai đoạn mới đòi hỏi phải không ngừng củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của QĐND; củng cố vững chắc sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND. Quán triệt và vận dụng sâu sắc, đúng đắn Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), thường xuyên củng cố và phát triển mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân…
Kết luận buổi tọa đàm, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên đánh giá cao các ý kiến đã thể hiện trí tuệ, trách nhiệm và tình cảm của các đại biểu góp phần xây dựng bản Hiến pháp mới vừa mang tính kế thừa giá trị lịch sử sâu sắc, vừa thể hiện tính khoa học, hiện đại, mang đậm tính dân tộc, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn để khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định sự ra đời, trưởng thành và chiến thắng của QĐND Việt Nam.
Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ quyết định đến vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quân đội, mà còn là những định hướng, con đường để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước.
XUÂN DŨNG – THU HÀ – VIỆT CƯỜNG – TUẤN SƠN (thực hiện)
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa