Điều không thể
Bằng nhiều thủ đoạn, qua các phương tiện thông tin, nhất là thông qua mạng in-tơ-nét, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang tung ra các luận điệu xuyên tạc thâm độc, để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Họ cho rằng, việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định Điều 4 (hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Nhà nước và toàn xã hội) là tiếp tục chế độ “đảng trị”, “đảng chủ” chứ không phải “lãnh đạo”, “dân chủ”; rằng, duy trì Điều 4, thực chất là “ĐCSVN muốn bám lấy quyền lực để bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của các cá nhân và những nhóm tư bản đỏ”. Thậm chí họ còn rêu rao và viện dẫn rằng, Điều 4 đã phản bác các điều: 2, 3, 8, 15, 16, 21, 83… của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng là “phá hỏng nền tảng chính bản thân Hiến pháp”, nếu duy trì Điều 4 sẽ dẫn tới một nhà nước độc tài, độc đảng, tuyệt đối không phải là nhà nước dân chủ như Dự thảo đã lừa dối tuyên bố… Những lý lẽ, lập luận nói trên tuy chỉ dựa vào lô-gic hình thức cùng sự ngụy biện thô thiển nhưng rất nguy hiểm, dễ đánh lừa và gieo rắc nghi ngờ trong một bộ phận nhân dân, nhất là trong đợt sinh hoạt chính trị dân chủ lấy ý kiến đóng góp của toàn dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thực chất đó chỉ là những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch nhằm thực hiện mưu đồ chia rẽ nội bộ Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm cơ sở để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và toàn xã hội.
Trong lập luận đòi xóa bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, họ cho rằng: sự lãnh đạo của ĐCSVN là “không chính danh, độc tài, toàn trị”. Cần khẳng định ngay rằng, lập luận này là không có sức thuyết phục, thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử. Rêu rao điều này, họ đã cố tình quên rằng, hơn 80 năm trước, trong cảnh nước mất, nhà tan, ĐCSVN là lực lượng duy nhất đứng ra nhận trọng trách lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân ta từ kiếp nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Tiếp đó, ĐCSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân ta đương đầu và đánh thắng hai tên đế quốc đầu sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH. Hiện nay, ĐCSVN vẫn là lực lượng duy nhất khởi xướng và lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới với mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng không làm quan phát tài, mà hàng triệu đảng viên của Đảng đã đi đầu chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH và hạnh phúc của nhân dân; trong đó, những lãnh tụ cao cấp nhất của Đảng, như: Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong… cũng đã anh dũng ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc. Đó là sự thật không thể phủ nhận; là sự chính danh được lịch sử lựa chọn, nhân dân tín nhiệm, thừa nhận, ủy quyền và từ bản chất, tôn chỉ, mục đích, lý tưởng tốt đẹp của Đảng đối với Tổ quốc và nhân dân. Chính vì thế, luận điệu về vai trò lãnh đạo “không chính danh” của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội là sự xuyên tạc thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn.
Đương nhiên, trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng cũng không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm; thậm chí có lúc nghiêm trọng, nhất là thời kỳ trước đổi mới. Cũng không thể phủ nhận trong xã hội ta hiện nay còn tồn tại những vấn đề bức xúc về phân hóa giàu – nghèo; quan liêu, tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên… Song, những lúc như thế, Đảng đã nghiêm túc tự kiểm điểm trước nhân dân; tự gột rửa khuyết điểm, chỉnh đốn lại mình. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được triển khai sâu, rộng và đạt kết quả bước đầu quan trọng là biểu hiện quyết tâm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Phớt lờ những thành quả cách mạng to lớn, trọng đại mà nhân dân ta đã giành được trong hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch còn lớn tiếng cho rằng: “Hiến pháp Việt Nam là không chính danh, chỉ là Điều lệ ĐCSVN do một số đảng viên nắm quyền soạn thảo, sửa đổi, áp đặt lên 3 triệu đảng viên khác và toàn dân Việt Nam”. Từ đó, họ đòi phải có một bản Hiến pháp mới; trong đó quyền làm chủ đất nước, quyền quyết định tương lai chính trị quốc gia phải do nhân dân tự quyết định chứ không phải là ĐCSVN. Dễ nhận thấy, đây là luận điệu dựa trên tư duy chính trị dân chủ đa nguyên vẫn thường xuất hiện đâu đó trên các “diễn đàn dân chủ” và mạng in-tơ-nét. Ở đây, họ đã không thấy hoặc cố tình không thấy rằng, trong bất kỳ nền dân chủ hiện đại nào, kể cả ở các nước phương Tây, mặc dù có nhà nước pháp quyền (tất cả quyền lực thuộc về nhân dân), có nghị viện – cơ quan đại biểu cao nhất quyền lực của nhân dân bao giờ cũng có đảng chính trị lãnh đạo, cầm quyền. Phải chăng, theo họ, những đảng chính trị lãnh đạo, cầm quyền ở các nước đó là phù hợp, còn ĐCSVN là không phù hợp, phải loại bỏ? Phải chăng, thay thế sự lãnh đạo của ĐCSVN bằng một số đảng khác thì quyền làm chủ của nhân dân được cao hơn… Cần thấy rằng, thể chế đa nguyên hay nhất nguyên chính trị không phải là nhân tố quyết định đến quyền làm chủ của nhân dân, đến bản chất của nhà nước pháp quyền và càng không thể áp dụng cho tất cả mọi nước; việc lựa chọn hình thức thể chế chính trị nào phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể và ý nguyện của nhân dân nước đó, là quyền tự quyết của mỗi dân tộc. Đối với Việt Nam, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của ĐCSVN trong hơn 80 năm qua đã được nhân dân và toàn xã hội thừa nhận, lựa chọn và ủy thác; được Quốc hội quyết định ghi vào Hiến pháp năm 1980, 1992 và tiếp tục khẳng định trong Dự thảo Hiến pháp mới là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Về bản chất, không có sự mâu thuẫn giữa Đảng lãnh đạo với quyền làm chủ của nhân dân. Đường lối cách mạng, Cương lĩnh chính trị của Đảng cũng như mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đều nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.Về nguyên tắc, Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; nhân dân là chủ thể quyền lực. Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động… Đảng lãnh đạo xây dựng Hiến pháp và pháp luật nhưng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hơn nữa, ở nước ta, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện thông qua việc bầu ra Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để quản lý xã hội bằng pháp luật. Quốc hội ban hành Hiến pháp là luật gốc sau khi đã lấy ý kiến đóng góp của toàn dân theo đúng trình tự lập hiến của Nhà nước pháp quyền XHCN; trong đó, vai trò lãnh đạo của ĐCSVN được hiến định tại Điều 4 để Nhà nước quản lý các hoạt động của Đảng. Điều 4 trong Dự thảo lần này không chỉ thừa nhận ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà còn quy định những điều kiện cụ thể mà Đảng phải có để giữ được vai trò lãnh đạo. Vì vậy, lập luận rằng sự lãnh đạo của ĐCSVN là “đảng trị”, “đảng chủ”, “đi ngược nguyên tắc nhà nước dân chủ, pháp quyền” hay “đứng trên Hiến pháp và pháp luật” không đơn thuần là phản biện xã hội mà là mưu đồ chính trị hòng loại bỏ Điều 4. Điều đó là không thể.
Sự phi lý, ảo tưởng
Trong lịch sử lập hiến của nước nhà, đã có thời kỳ vai trò lãnh đạo của Đảng không được quy định trong Hiến pháp, nhưng trên thực tế ĐCSVN không lúc nào rời bỏ ngọn cờ lãnh đạo cách mạng. Điều đó không có nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng không cần Hiến pháp cho phép, mà đó chỉ là sự thích nghi trong những hoàn cảnh cụ thể để Đảng có hình thức hoạt động phù hợp. Thực tiễn cho thấy, Hiến pháp năm 1946 không thể có quy định về sự lãnh đạo của Đảng; bởi lẽ, trong tình thế đặc biệt, ngày 11-11-1945, ĐCSVN đã tuyên bố tự giải tán để hoạt động với danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Hiến pháp năm 1959 cũng không thể có quy định như Điều 4, vì đất nước còn bị chia cắt, Đảng bộ miền Nam còn phải hoạt động bí mật trong sự kìm kẹp của kẻ thù. Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong các hiến pháp 1980, 1992 và nay được tái khẳng định tại Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết, tất yếu. Sự thừa nhận đó thể hiện tình cảm thiêng liêng, sự tin yêu, mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân đối với Đảng; đồng thời, đó còn là cơ sở pháp lý để trừng trị những kẻ cố tình xuyên tạc, có hành vi làm tổn hại tới vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ nhân dân đối với Đảng.
Thử hỏi rằng, trong những năm đổi mới, hội nhập quốc tế vừa qua, ĐCSVN vẫn là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được toàn xã hội và thế giới thừa nhận. Vậy mà, lại để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá, thực hiện mưu đồ xóa bỏ Điều 4, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng hòng chuyển hóa xã hội Việt Nam trở lại chế độ bóc lột, lệ thuộc vào ngoại bang thì thật là phi lý, không tưởng. Hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, hàng triệu đảng viên của Đảng và quần chúng cách mạng đã đổ mồ hôi, xương máu, hy sinh cả tính mạng để giành được thành quả như ngày nay. Nếu để cho các thế lực thù địch loại bỏ Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thực hiện “không đánh mà thắng”, chuyển hóa chế độ chính trị, thì điều đó đồng nghĩa với sự phản bội lại hàng triệu đồng chí, đồng bào đã hy sinh, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. ĐCSVN với đội ngũ đảng viên kiên trung, trí tuệ và đầy nhiệt huyết cách mạng, trong chiến tranh không hề khuất phục trước kẻ thù hung bạo, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, mà khi có chính quyền, có cơ đồ như ngày nay lại chịu khuất phục trước “thế lực thù địch” mà phần lớn đang sống lưu vong hoặc vô hình, giấu mặt trong bóng tối thì thật là phi lý và ảo tưởng biết bao! Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang, nhưng để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vẫn là quá trình dài. Chẳng lẽ chúng ta lại “dừng bước” khi chưa tới đích, càng là điều phi lý và ảo tưởng.
Với những điều phi lý và ảo tưởng ấy, việc loại bỏ Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là điều không thể. Điều có thể là toàn dân ta tham gia thảo luận, góp ý vào Dự thảo phải theo đúng nguyên tắc và định hướng của Đảng và Quốc hội đã đề ra. Trong đó, việc tham gia vào Dự thảo phải bảo đảm vừa có đóng góp về trí tuệ, vừa nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật, nhất là nhận thức sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và toàn xã hội. Đó cũng là thực tế đang diễn ra trong đợt sinh hoạt chính trị quan trọng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tham gia sôi nổi, đầy trách nhiệm.
HIẾU GIANG
tapchiqptd.vn
tapchiqptd.vn
Bọn phản động chỉ muốn Quân đội trung lập để dễ chống phá thôi
Trả lờiXóa