Những đặc điểm của một giảng viên tốt
Người phương Tây có thói quen đáng nể là cái gì họ cũng làm … nghiên cứu. Cái gì họ cũng “cân, đo, đong, đếm”. Mấy chục năm trước, đại học Úc bắt đầu cho sinh viên đánh giá giảng viên (một việc làm trước đó rất hiếm), và thế là hàng loạt nghiên cứu ra đời. Kết quả những nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu thú vị, nhất là những yếu tố để phân biệt một “good lecturer” với một “bad lecturer”. Thiết tưởng những yếu tố này cũng mang tính thời sự, nên tôi liệt kê ra đây vài đặc điểm để tham khảo.
Ngày xưa, khi còn học masters, tôi theo học môn psychometrics (có lẽ dịch là tâm lí lượng học) với một vị giáo sư già mà sau này tôi mới biết ông là guru (hàng tổ sư) trong lĩnh vực này: Giáo sư Roderick P. McDonald. (Ông qua đời năm ngoái, 83 tuổi. Có thể đọc về ông ở đây). Tôi nhớ hoài ông không chỉ là một học giả tài ba, mà còn ở phong cách giảng dạy. Ngày đầu tiên vào lớp học (chỉ độ 20 sinh viên), ông cầm theo lecture notes và một bộ gồm những bài báo khoa học ông mới công bố, phát cho chúng tôi mỗi người một bộ. Ông bảo chúng tôi mua sách của ông để học, cuốn sách chỉ độ 150 trang mà lúc đó giá đã trên 100 USD. Sau đó, ông ngồi trên bàn, một chân xuống đất, một chân đu đưa, và giảng. Ông nói suốt 1 giờ đồng hồ, không hề dùng đến bảng đen (thời đó chưa có PowerPoint). Trong lúc giải lao 10 phút, ông gần như đứng yên một chỗ, tỏ vẻ suy tư, chẳng nói chuyện với ai một lời nào. Hết giờ giải lao, ông lại giảng tiếp 1 giờ, và cũng không đụng đến bảng đen! Ông nói về những nghiên cứu của ông một cách hào hứng, còn chúng tôi ở dưới này chẳng ai hiểu gì cả, nhưng ai cũng tỏ vẻ … hào hứng theo. Đến giờ tan lớp, có anh chàng Thomsom (sau này là giáo sư về di truyền học ở USyd) hỏi “Sao thầy không viết gì cho chúng em theo dõi”, ông trả lời tỉnh queo mà tôi vẫn còn nhớ y như ngày hôm qua: Đó không phải là việc của tôi; đó là việc của trợ giảng; việc của tôi là truyền đạt ý tưởng. Ông hỏi lại chúng tôi: mấy anh là sinh viên sau đại học, phải không, nếu câu trả lời là yes, thì tôi e rằng câu hỏi của anh hơi thừa đấy! Chúng tôi chợt hiểu mình là ai, và ông giáo sư kì vọng gì về mình.
Phong cách giảng bài
Các chuyên gia sư phạm phân biệt 3 phong cách giảng dạy: nhà tư tưởng (thinker), thuyết khách (talker), và người thợ (doer). Cách phân biệt này cũng tương ứng với 3 giai cấp nhà khoa học. Có những nhà khoa học có uy tín cao, chỉ chuyên đề ra tư tưởng, ý tưởng mới. Họ là những nhà trí thức, những học giả “thứ thiệt”, có ảnh hưởng lớn đến chuyên ngành. Hạng nhà khoa học bậc hai là những người cũng có uy tín cao, nhưng chưa ở bậc nhà tư tưởng, mà mới ở mức độ nói chuyện, thuyết khách. Họ cũng là những trí thức, cũng có ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng không bằng những thinker. Hạng khoa học gia thứ ba có thể nói nôm na là doer – những người thực sự làm. Có thể phân biệt phong cách giảng theo mô hình 3 loại nhà khoa học trên.
Phong cách giảng bài của nhà tư tưởng là trình bày thông tin và dữ liệu theo bối cảnh thường hàm chứa một lương thông tin lớn trong thời lượng cho phép, và mức độ tương tác giữa giảng viên và sinh viên rất ít. Bài giảng dạng này thường mang tính tổng quan, và giảng viên phải có kiến thức rộng để có thể đi ra ngoài nội dung chính của bài giảng, nhưng vẫn có thể dẫn dắt sinh viên xoáy vào mục tiêu của bài giảng. Cách giảng của vị giáo sư già tôi đề cập trên thuộc dạng này, ông thấy nhiệm vụ của ông là chỉ mượn bài giảng để truyền đạt ý tưởng lớn (big idea), big science, và định hướng để sinh viên tự mình tham khảo và nghiên cứu thêm. Phong cách này thường thấy ở những người có trình độ cao, thường là cấp giáo sư có tầm cỡ quốc tế.
Bài giảng của những thuyết khách dựa vào nội dung thường bám sát nội dung, giảng viên ít đi ra ngoài nội dung bài giảng. Giảng viên thường giới thiệu công trình nghiên cứu của họ và của đồng nghiệp trong cùng chủ đề. Trong giới y khoa, chúng ta rất thường thấy các “thuyết khách” trong các seminar và symposium. Có người nói đùa họ là những người “tiếp thị” công trình nghiên cứu của họ và cố gắng gây ảnh hưởng qua những công trình đó. Các thuyết khách cũng ít tương tác với học viên, nhưng họ thường thân thiện hơn so với những thinker.
Bài giảng mang tính sư phạm được thiết kế để giúp sinh viên có thể ứng dụng kiến thức trong bài giảng. Bài giảng dạng này thường được soạn để sinh viên có thể thực hành và có mức độ tương tác cao với giảng viên. Bài giảng dạng sư phạm thích hợp cho những hướng dẫn mang tính kĩ thuật mà sinh viên có thể sử dụng ngay sau khi dự xong bài giảng. Có khi người ta xem người giảng bài theo phong cách này là thợ giảng. Thợ giảng có thể giảng bài mà người khác soạn cho mình (chứ mình không tự soạn ra).
Do đó, tuỳ theo mục tiêu của lớp học hay seminar, mà giảng viên có thể soạn bài giảng với phong cách thích hợp. Nếu là một buổi giảng cho các chuyên gia hay những người đã có kiến thức chuyên ngành, tôi nghĩ phong cách giảng bối cảnh sẽ hào hứng và thích hợp. Nếu buổi giảng là một semianr về một chủ đề cụ thể thì cách giảng theo nội dung có thể thích hợp. Nếu là workshop, đòi hỏi sự tương tác giữa giảng viên và học viên, thì có lẽ nên chọn cách giảng thứ ba, tức là phong cách sư phạm.
Những đặc điểm của một giảng viên tốt
Phong cách giảng nào được đánh giá cao còn tuỳ thuộc vào thành phần học viên. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy sinh viên thường thích phong cách giảng mang tính sư phạm. Còn bài giảng theo phong cách thuyết khách và nhà tư tưởng thường được đánh giá thấp nhất. Nhưng trong các hội nghị khoa học, người ta đánh giá cao những bài giảng theo phong cách thuyết khách hơn là những bài giảng theo phong cách nhà tư tưởng hay phong cách thợ giảng (sư phạm).
Câu hỏi đặt ra là thế nào là một giảng viên tốt? Nhiều nghiên cứu trong quá khứ đúc kết lại một số đặc điểm chính như sau: phong cách, thiết kế bài giảng, tương tác, và sư phạm (xem box 1 và box 2).
Kinh nghiệm của tôi và cũng là lời dạy của những người thầy trước là giảng viên phải đam mê với đề tài mình giảng. Thật vậy, đam mê có lẽ là đặc điểm số 1 làm nên một giảng viên tốt. Mỗi bài giảng là một đứa con tinh thần của giảng viên (nếu giảng viên là người soạn bài giảng chứ không phải lấy từ người khác), và nếu giảng viên không tỏ ra hào hứng với đứa con tinh thần của mình thì ai có cảm hứng! Là người soạn bài giảng hay am hiểu vấn đề, giảng viên có thể tiêu ra hàng chục phút, thậm chí hàng giờ để bàn về một điểm nào đó trong bài giảng.
Sau đam mê là nhiệt tình. Đối với sinh viên, nhìn thấy người giảng thật sự “thưởng thức” những gì họ đang làm là một tín hiệu cực kì tích cực. Nhưng trong thực tế, có những giảng viên đứng lớp mà xem ra họ không thưởng thức những gì họ làm, hoặc chỉ làm cho … hết giờ. Thái độ này rất xấu, vì cho thấy giảng viên chẳng quan tâm đến học viên (và học viên có lí do hỏi: vậy thì giảng viên có mặt ở đây để làm gì ?!)
Theo tôi, giảng viên có thể pha trò, nhưng không nên quá đà. Pha trò là một cách “giải trí”, thêm hương sắc cho bài giảng. Giảng viên có thể làm cho sinh viên cười ồ qua những câu chuyện vui, và cũng là một cách giúp cho bài giảng thú vị hơn. Nhưng không nên kéo dài thời gian pha trò, và nên cẩn thận với những câu chữ đùa hàm ý dục tính hay phân biệt giai cấp, phân biệt giới tính.
Nói tóm lại, có ba phong cách giảng dạy chính (nhà tư tưởng, thuyết khách, và sư phạm). Việc chọn phong cách giảng bài thích hợp tuỳ thuộc vào thành phần học viên. Bất phong cách nào, một giảng viên tốt phải tỏ ra đam mê, nhiệt tình, và tấm gương về học thuật cho học viên. Pha trò có thể làm cho bài giảng thêm thú vị, nhưng cũng có thể dẫn đến phản tác dụng khi sử dụng không thích hợp.
Box 1. Những đặc điểm của một giảng viên tốt Phong cách
Thiết kế bài giảng
Tương tác
Sư phạm – giảng viên nên:
|
Box 2. Sinh viên đánh giá (cho điểm) Phong cách
Thiết kế bài giảng
Tương tác
Sư phạm – giảng viên
|
Box 3. Một vài điểm cần chú ý khi soạn bài giảng bằng PowerPoint
1. Cần phải biết cử toạ là ai. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất trong một bài giảng, nhất là giảng trong seminar. Tôi đã từng chứng kiến một seminar dành cho các chuyên gia (experts) mà diễn giả trình bày toàn những thông tin chỉ thích hợp cho sinh viên năm thứ hai hay năm thứ ba, làm cho nhiều người trong khán phòng rất khó chịu. Biết cử toạ là ai để soạn bài giảng thích hợp là điều mà giảng viên hay diễn giả cần phải tìm hiểu trước khi soạn bài giảng.
2. Cân đối thời lượng và thông tin. Mỗi slide chỉ nên giới hạn trong vòng 1 phút. Nếu trong vòng 20 giấy đầu tiên mà khán giả không hiểu hay không lĩnh hội được thì slide đó xem như thất bại. Ấy thế mà trong thực tế, tôi đã thấy giảng viên nhồi nhét cả 70 slides cho một bài giảng 20 phút! Trong tình huống đó, không ngạc nhiên khi giảng viên quá giờ, và nói quá giờ là một mất lịch sự khó tha thứ được.
3. Tránh phương trình, kí hiệu. Phương trình và kí hiệu phức tạp có lẽ là điều làm nhiều người “sợ” nhất. Ngay cả những ngành liên quan đến toán học, người giảng có kinh nghiệm ít khi nào dùng đến phương trình trong bài giảng; thay vào đó là những ý tưởng và phác hoạ ý tưởng cho một phương trình (không có trong bài giảng). Dĩ nhiên, trong vài trường hợp, phương trình cũng cần thiết, nhưng qui tắc chung là nên giữa ở mức độ tối thiểu.
4. Không nên viết nguyên câu văn. Giảng bài mà viết nguyên câu văn là tự tử! Thiếu chuyên nghiệp. Một qui tắc bất thành văn trong soạn bài giảng bằng PowerPoint là viết theo dạng telegraphic, tức như những tiêu đề của một bản tin. Không bao giờ viết nguyên văn với câu cú theo qui tắc văn phạm. Nên nhớ rằng mục tiêu là để sinh viên nghe, chứ không phải đọc. Nếu slide có quá nhiều câu chữ, người ta sẽ đọc chứ không nghe giảng viên, và do đó bài giảng sẽ thất bại, không đạt mục tiêu.
5. Giải thích những biểu đồ. Bất cứ lúc nào giảng viên trình bày một biểu đồ, giảng viên cần phải giải thích những kí hiệu, trục tung, trục hoành, v.v. có nghĩa gì. Sau khi giải thích xong, giảng viên có thể nói về ý nghĩa của biểu đồ. Nếu khán giả không hiểu những kí hiệu trong biểu đồ, tất cả những gì giảng viên nói sẽ “mất hút” vào không khí, vì chẳng ai hiểu được và có lẽ cũng không cần hiểu!
6. Nên chọn màu cẩn thận. Không nên chọn màu nền quá màu mè. Nếu phòng rộng, nên chọn màu nền màu đậm (xanh nước biển) và text màu sáng (như màu trắng, vàng). Nếu phòng nhỏ, nên chọn màu nền sáng (trắng) và text màu tối đậm (đen). Tuyệt đối tránh nền màu xanh, text màu đỏ; nền màu xanh lá cây, text màu vàng.
7. Tránh hình hoạt hoạ. Một bài giảng là mang tính học thuật, chứ không phải trò chơi của trẻ con. Phải tỏ ra nghiêm chỉnh, không dùng hoạt hình, hoặc nếu dùng thì phải giữ ở mức tối thiểu.
doanvanhau-sưu tầm
Bài giảng tốt là bài giảng đi hết vào trong bộ não của học sinh
Trả lờiXóa