Ngày 2-9-1945, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi cả dân tộc Việt Nam cùng góp sức để bảo vệ nền độc lập của dân tộc: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Ngay khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta (23-9-1945), Chủ
tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi: “Hôm nay, Ủy
ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí
xông lên đánh đuổi quân xâm lược”. Vào ngày 26-9-1945, qua Đài Phát thanh tiếng
nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định
quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước:
“Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do
hơn sống nô lệ”... Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn
kết của cả quốc dân”.
Ngày 18-12-1946, dù Chính phủ và nhân dân ta đã thể hiện thiện
chí hòa bình để mong xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Pháp, song
thực dân Pháp với dã tâm đô hộ nước ta một lần nữa đã gửi tối hậu thư cho Chính
phủ ta đòi tước khí giới của lực lượng tự vệ và quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội.
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ,
tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế nhằm chống lại cuộc xâm lược
của thực dân Pháp, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946), Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ trước quốc dân đồng bào: “Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân
nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất
định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn
ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân
tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc.
Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc,
thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước... Giờ cứu
nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù
phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi
nhất định về dân tộc ta!...”.
Khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất luôn cháy bỏng
đối với nhân dân ta, nhưng thực dân Pháp lại muốn đô hộ nước ta như trước. Bởi
vậy, nhân dân ta thà hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn nền độc lập của
dân tộc, thống nhất đất nước, tự do cho nhân dân và xây đắp nền hòa bình muôn
thuở.
Trong bức thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp năm mới
1947, ngay sau khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ:
“Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp. Chúng
tôi bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ
quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai
dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và
quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái”(1).
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh do
đó như một lời hịch có sức mạnh tinh thần rất lớn để toàn thể dân tộc Việt Nam
tiếp thêm sức mạnh để giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp (1946-1954). Sau 9 năm chiến đấu vô cùng oanh liệt, quân và dân ta đã đánh
thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ
lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2011, tr.3.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa